Vì sức khỏe cộng đồng
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, đã chính thức có hiệu lực. Đây được xem là thêm một công cụ hữu hiệu ngăn chặn nạn thực phẩm “bẩn”, vì sức khỏe cộng đồng cũng như xác lập lại việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm- lĩnh vực lâu nay gây nhiều bức xúc trong xã hội. Công cụ pháp lý là vậy, nhưng quan trọng phải làm sao thực hiện nghiêm túc.
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm chợ Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Thảo Nguyên-Thái Hà.
Nghị định 115 chỉ rõ các loại vi phạm, gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung, như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 tháng đến 6 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 1 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Nghị định cũng đề ra các hình thức xử phạt bổ sung, như buộc tái xuất, hoặc tiêu hủy, thu hồi thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm... đối với thực phẩm vi phạm. Đáng chú ý, trong trường hợp cụ thể thì đối tượng vi phạm còn phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Số tiền phạt vi phạm cũng được coi là “đủ răn đe”, với các mức thấp nhất là 1 triệu đồng, mức cao có thể tới 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.
Nghị định cũng xác định rõ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 115 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, là rất cụ thể, chi tiết, là công cụ pháp lý để lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Vấn đề còn lại chỉ là thực hiện ra sao, người được quyền ra quyết định xử phạt có công tâm không.
Thực tế thì an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nóng kéo dài nhiều năm qua, kể từ khâu sản xuất cho tới kinh doanh, tiêu thụ. Xã hội nhiều lần lên tiếng về việc người nông dân sản xuất theo kiểu “rau hai luống, lợn hai chuồng”- có nghĩa là sản phẩm “sạch’ thì để lại gia đình sử dụng, còn sản phẩm “bẩn”- với nhiều dư lượng hóa chất độc hại cho sức khỏe con người thì đem bán.
Người kinh doanh buôn bán cũng vì lợi nhuận đã tiếp tay cho sản phẩm thực phẩm “bẩn”. Những vụ cơ quan chức năng thu giữ nội tạng bốc mùi, phân hủy khiến xã hội bàng hoàng. Rồi là việc bơm hóa chất vào tôm, nuôi gà, lợn bằng thuốc tăng trọng “thổi” gia súc, gia cầm lớn với tốc độ không tưởng. Ngay đến cả rau quả cũng lại dùng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản để giữ độ tươi lâu... toàn là thuốc độc hại cả.
Cũng vì thế mà thị trường bấn loạn, người tiêu dùng hoang mang. Người nội trợ không có cách nào tự trở thành “thượng đế thông minh” khi ra chợ mua sắm cho bữa ăn gia đình. Và cũng vì thế mà nhiều căn bệnh nan y xuất hiện, tăng nhanh, sức khỏe cộng đồng bị đe dọa.
Trở lại vấn đề, trước hết là trách nhiệm, là đạo đức của người sản xuất, kinh doanh; nhưng rất quan trọng là khâu giám sát, xử phạt. Đây được coi là “chốt chặn cuối cùng” ngăn chặn, xóa bỏ hành vi trục lợi, đầu độc con người. Tin tưởng vào quy định của luật pháp, nhưng cũng lại phải trông chờ vào những người được giao trách nhiệm và có quyền xử lý trực tiếp. Đạo đức công vụ kém, tham lam sẽ dẫn đến tình trạng bắt tay, móc ngoặc để “cho qua” những hành vi vi phạm. Cảnh báo điều này không thừa vì thực tế đã cho thấy điều đó.
Vì vậy mới nói, nếu quy định những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đã nghiêm, thì cũng rất cần nghiêm với những người thực thi công vụ thoái hóa, biến chất. Chỉ có vậy người tiêu dùng mới không còn ngại ngần trước mỗi bữa ăn hàng ngày, hay là uống một chai nước giải khát với những quảng cáo không khác gì “thần dược”.