Robin Hood thời hiện đại
Ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới toàn thế giới trong năm 2009, một quản lý ngân hàng ở thị trấn Forni di Sopra, Italy đã quyết định cần phải làm gì đó để giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự kiện này.
Thị trấn Forni di Sopra mùa đông.
Giúp đỡ dân nghèo
Trong lời khai trước giới công tố viên tại phiên tòa xét xử mới đây, ông Gilberto Baschiera đã mô tả lại khoảng thời gian đầy khó khăn khi bản thân ông phải liên tục từ chối những lời đề nghị cho vay của người dân nghèo ở thị trấn nhỏ Forni di Sopra, bởi họ không đủ điều kiện để vay mượn theo quy định của ngân hàng ông quản lý.
Vào thời điểm năm 2009, Chính phủ Italy đang phải chật vật ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trong khi vẫn phải cố gắng đạt được những mục tiêu mà Liên minh châu Âu (EU) cùng các chủ nợ khác đặt ra. Và trong bối cảnh đó, khi nhận thấy không còn sự thay thế nào khác, ông Baschiera đã tự đưa ra giải pháp của riêng mình.
Ông thành lập một hệ thống ngân hàng bí mật ngay trong thị trấn chỉ gồm 1.100 cư dân này, lấy trộm tiền từ những khách hàng giàu có và bí mật chuyển chúng tới tài khoản của những cư dân nghèo hơn để họ đạt đủ điều kiện vay ngân hàng.
Chỉ trong vòng 7 năm, ông Baschiera đã chuyển khoản lượng tiền lên tới 1 triệu Euro (1,15 triệu USD) - giới công tố cho hay.
Đến năm 2016, hệ thống bí mật của ông đã bị sụp đổ. Nhiều khách hàng bị vỡ nợ, không có khả năng trả lại khoản tiền nợ cho ngân hàng nơi ông Baschiera làm việc. Hệ thống này bị phanh phui, nhưng lại giúp ông Baschiera trở thành một vị anh hùng trong con mắt của báo giới Italy. Tờ Lebero của nước này thậm chí gọi ông là “Robin Hood thời hiện dại”, ám chỉ tay cướp huyền thoại của Anh chuyên lấy của người giàu phân phát cho người nghèo. Thế nhưng, chính quyền bắt đầu nhập cuộc từ đó.
“Ông ấy đã tin rằng những người mà ông giúp đỡ sẽ trả lại số tiền nọ, nhưng một số đã không làm được”- Roberto Mete, luật sư của Baschiera nói.
Các nhà điều tra xác nhận rằng ông Baschiera không thu lợi gì cho bản thân từ hoạt động bí mật của mình, điều này giúp ông đạt được một thỏa thuận có lợi với giới công tố.
Ông Baschiera đã bị kết án trong hôm 1/10 vừa qua, với bản án 2 năm tù giam, nhưng ông lại không phải ngồi tù nhờ một điều khoản trong luật pháp Italy cho phép các tòa án thể hiện lòng khoan dung với những người phạm tội lần đầu và có án tù ngắn.
Đối với các trường hợp tương tự như ông Baschiera ở các nước khác, tòa án sẽ không khoan dung như vậy.
Vào năm 2007, một nhân viên ngân hàng 45 tuổi ở Đức đã bị kết án 3 năm tù giam sau khi lập một mạng lưới chuyển khoản 2,4 triệu USD từ tài khoản của các khách hàng giàu có tới tài khoản của những người nghèo. Năm 2009, một quản lý ngân hàng ở Mỹ bị tòa tuyên án 1 năm tù giam sau khi người này chuyển khoản hơn 300.000 USD từ khách hàng giàu tới khách hàng nghèo trong suốt 8 năm liền. Tòa án còn nghi ngờ rằng khoản tiền này không hoàn toàn được chuyển cho người nghèo.
Túng quẫn
Ở Italy, những người ủng hộ ông Baschiera tranh luận rằng, cựu quản lý ngân hàng này đã phải trải qua một khoảng thời gian đầy đau khổ, khi mà khủng hoảng tài chính khiến chính quyền thắt chặt tiến trình cho vay của ngân hàng.
Trong khoảng năm 2008-2011, khoản nợ công khổng lồ của Italy nhanh chóng biến thành vấn đề gây quan ngại nhất của EU. Nhiều người cũng lo ngại rằng, viễn cảnh Hy Lạp vỡ nợ có thể gây ra hiệu ứng domino và kéo theo cả Italy. Châu Âu sau đó cố gắng giải ngân nhiều gói viện trợ cho nền kinh tế Hy Lạp, nhưng lại không có gói cứu trợ nào cho Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung Eurozone.
Để ngăn chặn viễn cảnh vỡ nợ, Thủ tướng Italy lúc bấy giờ là Silvio Berlusconi đã lựa chọn áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, khiến cho một số lượng không nhỏ những người dân nghèo ở Italy bị liệt vào diện không có đủ điều kiện để vay mượn từ ngân hàng.
Ông Berlusconi sau này đã phải đứng trước vành móng ngựa, đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng và cáo buộc có quan hệ tình dục với những người chưa đủ tuổi vị thành niên, và cuối cùng chịu cùng lúc nhiều bản án tù giam. Đến nay, tất cả các bản án nọ đã được bãi bỏ hoặc giảm nhẹ. Ông Berlusconi cùng con cái của mình được tin là sở hữu khối tài sản 6,8 tỷ USD - theo Tạp chí Forbes.
Trong khi đó, hiện nay, ông Baschiera- người đã ra tay nghĩa hiệp giúp dân nghèo trong bối cảnh khó khăn - lại bị liệt vào diện không đủ tiêu chuẩn để đi vay ngân hàng. Điều này là do, cáo buộc trước tòa đã khiến ông mất cả công việc lẫn nhà cửa - theo tờ Republica của Italy.
* Trong vòng 7 năm, ông Baschiera đã chuyển khoản lượng tiền lên tới 1 triệu Euro (1,15 triệu USD) từ tài khoản của những khách hàng giàu có sang tài khoản của những người nghèo.