Giải ngân vốn đầu tư công: Nghẽn đầu vào, tắc đầu ra
Do pháp luật về đầu tư công, vướng về cơ chế chính sách, cũng như công tác phân bổ vốn muộn đã khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, hàng nghìn tỷ đồng vẫn ách tắc trong khi nền kinh tế lại đang cần vốn.
Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy đến hết tháng 9/2018, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương là 203.583 tỷ đồng, đạt 50,93% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 52,46% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có duy nhất 1 bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch. 30/56 bộ, ngành Trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 9 tháng thấp hơn 50% kế hoạch năm.
Còn tại địa chỉ Cổng Thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư công, tính đến thời điểm hiện tại có một số bộ ngành cũng như địa phương giải ngân vốn đầu tư khá thấp. Cụ thể là Bộ Y tế (12,04%), Bộ Xây dựng ( 30,84%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (3,41%), Tây Ninh (12%).
Vốn đầu tư công được xem là nguồn vốn mồi của nền kinh tế. Việc chậm bố trí vốn đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề tồn tại suốt nhiều năm nay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm. Một phần là tâm lý đầu năm đủng đỉnh, đến giữa và cuối năm mới tập trung chạy đôn chạy đáo để giải ngân. Thêm nữa, các dự án đầu tư công mất khá nhiều thời gian thẩm định, cũng như chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục giấy tờ thường rất chậm trễ khiến tiến độ giải ngân đạt thấp.
Giới chuyên gia cho rằng, trong khi nguồn thu ngân sách hạn hẹp, thậm chí còn bị giảm dần, chẳng hạn như nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu, thu thuế từ đất... thì Chính phủ phải đàm phán đi vay nợ để tìm kiếm nguồn vốn bổ sung. Vì vậy, nếu nguồn vốn đầu tư công chậm giải ngân sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, một thực tế diễn ra ở các dự án đầu tư công là các bộ, ngành, địa phương xin điều chỉnh dự án. Điều này dẫn đến việc nhiều dự án đầu tư công bị kéo dài thời gian phê duyệt, dẫn đến chậm quá trình sắp xếp vốn, bố trí vốn.
Ông Lê Tuấn Anh - Vụ phó Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, khẳng định rằng cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm. Song nhìn chung là do chất lượng ở khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế. Đặc biệt, các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện thiếu kiên quyết trong chỉ đạo.