Tổng Bí thư: 'Giáo dục cho người ta thấy mà sợ'
“Trước đây thu hồi tài sản là khâu yếu, án treo nhiều giờ đã khắc phục nhiều hạn chế, thu hồi 36 ngàn tỷ đồng, riêng trong vụ MobiFone mua AVG thu hồi 8.500 tỷ đồng cho nhà nước. Khi thu hồi được tài sản thì giảm nhẹ các mức khác, giáo dục cho người ta thấy mà sợ” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri Hà Nội.
Ngày 8/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiến hành tiếp xúc cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ (vào buổi chiều cùng ngày) trước kỳ họp thứ 6.
Vấn đề được nhiều cử tri quan tâm vẫn là công tác Phòng chống tham nhũng (PCTN) lãng phí. Bên cạnh đó, cử tri đánh giá cao Hội nghị trung ương 8 vừa diễn ra trong đó có quy định nêu gương và sự thống nhất cao khi 100% giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Cử tri băn khoăn
Cử tri Trần Viết Hoàn, phường Vĩnh Phúc cho rằng, từ sau kỳ họp thứ 5, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xử lý, nhiều vụ án gây bất bình trong đời sống nhân dân đang phơi bày như vụ đánh bạc công nghệ cao; vụ Mobifone mua AVG. Người dân kinh hoàng khi các vụ đánh bạc được tướng Công an bảo kê, nghĩa là đánh bạc ngay trong trụ sở Công an, số tiền sòng bạc thu giữ được 10 ngàn tỷ đồng, 1 cuộc chiêu đãi tiêu hết 10 tỷ đồng...
Hay vụ Vũ “nhôm” chỉ là một Thượng tá Công an nhưng chiếm đất công từ Đà Nẵng tới TP Hồ Chí Minh. Dự án Sào Khê tại Ninh Bình được đội giá lên hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại được lãnh đạo tỉnh giải thích là do cơ chế.
“Nhân dân mong Đảng phải vào cuộc, nếu vi phạm thì nhân dân mong xử thật nghiêm vì tiền là mạch máu trong công việc, không phải vì tiền mà dùng thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền, đè đầu cưỡi cổ người ta” - ông Hoàn kiến nghị.
Cử tri này bức xúc: Trong các sai phạm, đa phần là cán bộ cấp cao phạm tội, quyền to, lộc nhiều, lương cao mà vẫn tham, cậy có quyền hành mà mặc sức vơ vét. Nếu tình trạng quan tham vẫn diễn ra thì biết đến khi nào các cháu mới thoát khỏi cảnh chui vào túi ni long để đi học; 4-5 người bệnh không phải nằm chung giường bệnh; trẻ em nhịn đi vệ sinh 7-8 tiếng vì nhà vệ sinh quá bẩn. Vì thế nhân dân mong Đảng, Nhà nước có chế tài nghiêm minh, kiểm tra chặt chẽ, và có sự tham gia của người dân khi đưa người vào cấp lãnh đạo.
Theo cử tri Lê Đức Hạnh, phường Kim Mã, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác PCTN lãng phí đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên việc xem xét xử lý các vụ án còn chậm, thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế, do đó làm sao cho thu hồi tài sản tham nhũng như lời Tổng Bí thư nói là: “Lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”. Còn cử tri thì mong muốn lò đã nóng thì sắt thép cũng phải cháy. Do đó cử tri mong Đảng, Nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN lãng phí.
Cử tri Trần Công Dân, phường Thành Công cho rằng, để công tác PCTN nâng cao hiệu quả, cử tri và nhân dân mong chờ vào Luật PCTN sửa đổi lần này. Tham nhũng phụ thuộc vào nhân cách con người, nhân cách con người lớn thì tham nhũng trở thành vấn đề nhỏ, còn nhân cách nhỏ tham nhũng lại là vấn đề lớn.
Theo ông Dân, năm 1998 đã có pháp lệnh chống tham nhũng, nhưng tiếc thay quy dịnh của Bộ luật Hình sự năm 1999 về người nhận và đưa hối lộ cũng phạm tội đã làm triệt tiêu kỷ cương. Đến Luật PCTN năm 2005 khi triển khai rất quyết tâm nhưng bị “liệt” vì đan xen, trong đó có các quy định dưới luật. Như vậy là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, ít có người đứng đầu đặt vấn đề tham nhũng xảy ra ở đơn vị mình, mà chỉ thấy bị đơn vị khác chỉ ra tham nhũng.
Chỉ sau Đại hội XII vấn đề đấu tranh PCTN mới được đặt đúng, từ “bèo dạt mây trôi” đã bị luồng gió mới chặn lại các độc hại, không có chỗ nào có vùng cấm, đã tăng “quyết” và giảm “liệt”, qua đó lấy lại niềm tin từ nhân dân và xã hội. Việc sửa Luật PCTN lần này là tất yếu nhưng cử tri băn khoăn về 2 vấn đề là kê khai tài sản của cán bộ và xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc.
“Việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc, cán bộ mà không tự giác trong kê khai khi kiểm tra thấy dối trá thì không thể dung nạp những con người dối trá mà phải cho thôi việc. Tài sản không chứng minh được chỉ do nhiều quá nên không nhớ, hay bất minh mà có. Cho nên cứ theo quy định các nước là xung công quỹ. Vì vậy mong Đảng, Quốc hội hãy nghe dân nói để nói dân nghe, làm một cách chắc chắn” - ông Dân bày tỏ.
Còn cử tri Trần Giao, phường Nguyễn Trung Trực nói: Tham nhũng vẫn nghiêm trọng dù nhiều củi khô, củi tươi được cho vào lò. Nhất là các dự án BOT, BT tại sao có luật rồi những vẫn để xảy ra tình trạng tham nhũng? Nhiều ý kiến cho rằng, Luật PCTN của ta như “hổ không răng” vì không có cơ chế kiểm soát tài sản, hạn chế tiêu tiền mặt. Do đó cần phải có chế tài để làm sao để “hổ có răng”. Như vậy mới ngăn chặn được tham nhũng.
Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã nhiều hơn
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các ý kiến của cử tri được chuẩn bị công phu, ý kiến ngắn gọn nhưng nêu nhiều vấn đề sâu sắc, phong phú, đa dạng, sắc sảo, đề cập đúng vấn đề chương trình kỳ họp.
Theo Tổng Bí thư, vấn đề PCTN lãng phí là vấn đề lần nào trong các cuộc tiếp xúc người dân cũng quan tâm, qua đó góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân vào công tác PCTN. Một mặt biểu dương, nhưng mặt khác, nhân dân cũng nêu lên những hạn chế khuyết điểm và mong muốn đề xuất những giải pháp trong thời gian sắp tới.
Trong PCTN, kỳ họp này liên quan đến thông qua Luật PCTN sửa đổi. Quốc hội đã thảo luận lần thứ 3 và lần này trình ra Quốc hội thảo luận để các ĐBQH cho thêm ý kiến, và quyết tâm thông qua vì đã thảo luận nhiều lần và thống nhất cao, chỉ có 2 vấn đề là kê khai tài sản và xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Đưa ra phân tích, Tổng Bí thư cho rằng, kê khai tài sản và công khai kiểm soát tài sản là vấn đề khó vì thiên biến vạn hóa, nhiều biến tướng nên khó kiểm soát và liên quan đến quyền công dân, trong đó có quyền bí mật về tài sản. Ở các nước họ cũng vậy, không phải cái gì cũng công khai cho toàn dân thiên hạ biết. Vì thế lần này làm sao để giải quyết, dung hòa được 2 vấn đề này đó chính là cái khó nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các cử tri.
Đề cập đến việc xử lý các vụ án tham nhũng chậm, Tổng Bí thư cho rằng, vừa qua đã khắc phục được tình trạng này một cách đáng kể. Trước có vụ bao nhiêu năm “chìm xuồng” nhưng đến nay làm vụ nào là đến nơi đến chốn. Bởi các quy trình xem xét phải theo luật, phải theo chứng cứ với đầy đủ tính thuyết phục qua nhiều khâu từ thanh tra, kiểm tra, rồi đến khi kết luận không thể cãi được vì chứng cứ rõ ràng cho nên cần có thời gian.
Như ông Đinh La Thăng, hay ông Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra xử sớm hơn so với dự kiến. Ngay xét xử không chỉ 1 lần là xong mà có vụ kéo dài 2-3 năm vì tội này lại dính đến tội khác, ông này dính đến ông khác dắt dây nhau. Hay trong xét xử, đưa ra mức án không phải xử 1-2 ngày là xong mà phải có chứng cứ tâm phục khẩu phục, răn đe ngăn ngừa để không để xảy ra, chống để xây, xây tốt thì đỡ phải chống. Như vừa rồi phải chờ Trung ương mới xử được ông Trần Văn Minh, Nguyễn Bắc Son. Đó mới chỉ là kỷ luật về Đảng, còn hành chính phải tương xứng, chưa kể nếu vi phạm hình sự thì xử lý.
“Như trước đây vụ ông Đinh La Thăng đưa về Phó Ban Kinh tế trung ương, các bác bảo nhẹ quá. Nhưng đến nay đã bị xử lý hình sự, khai trừ ra khỏi Đảng, bị phạt 30 năm tù và thu hồi tài sản cũng được khá nhiều. Các bác phải bĩnh tĩnh, làm đâu là chắc đấy. Trước đây thu hồi tài sản là khâu yếu, án treo nhiều giờ đã khắc phục nhiều hạn chế, thu hồi 36 ngàn tỷ đồng, riêng trong vụ Mobifone mua AVG thu hồi 8.500 tỷ đồng cho nhà nước. Khi thu hồi được tài sản thì giảm nhẹ các mức khác, giáo dục cho người ta thấy mà sợ. Luật PCTN có cái khó nhưng đến nay về cơ bản có thể thông qua được” - Tổng Bí thư cho hay.
Lòng dân - ý Đảng
Vấn đề được cử tri quan tâm phản ánh với người đứng đầu Đảng chính là thành công của Hội nghị Trung ương 8. Cử tri Ngô Văn Thành, phường Điện Biên cho rằng, dư luận nhân dân đồng tình cao khi hội nghị Trung ương 8, có 100% các Ủy viên Trung ương thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Đặc biệt cử tri rất tâm đắc khi Trung ương lần này có bàn về quy định nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và Ủy viên Trung ương. Đây là quy định để cán bộ, đảng viên luôn rèn luyện, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, và giúp cho nhân dân tham gia giám sát bộ máy trong sạch. Do đó quy định cần sớm được ban hành để các đồng chí luôn là tấm gương sáng để nhân dân học tập và noi gương.
Theo cử tri Trần Văn Ngọc, phường Giảng Võ, 100% các Ủy viên Trung ương nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là vấn đề “lòng dân-ý Đảng”.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Phát biểu dưới góc độ là một Ủy viên Trung ương vừa dự hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đã đặt ra từ năm 1998, nhưng do khách quan chưa thực hiện được và đến nay là đòi hỏi từ thực tiễn.
Việc Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước gắn liền với cải cách thể chế của đất nước, có lợi cho đất nước, nhất là hoạt động đối ngoại trên trường quốc tế. “Tuy nhiên tâm tư chính là ở chỗ Tổng Bí thư phải gánh vác trọng trách nặng nề, vất vả hơn. Nhưng chúng tôi tin rằng với sức khỏe, trí tuệ của Tổng Bí thư chắc chắn Quốc hội sẽ đồng thuận rất cao, mà như cử tri đã nêu là thuận ý Đảng - lòng dân”.
Nói về một số vấn đề đặt ra tại Hội nghị Trung ương, theo Tổng Bí thư, vấn đề nêu gương không phải của chỉ riêng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương mà tất cả các đảng viên đều phải làm. Phải hiểu rộng ra như vậy, có điều các cán bộ cao nhất phải làm gương từ việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái mọi người phải chống.
Trách nhiệm chung là cán bộ phải làm, đảng viên đi trước làng nước theo sau, như lời Bác Hồ nói: Một tấm gương sống bằng trăm bài diễn thuyết.
Lần này quy định là do Trung ương ban hành chứ không phải Bộ Chính trị ban hành cho nên vị trí của nó lớn hơn rất nhiều. Các Ủy viên Trung ương phải noi gương thực hiện, trước hết là nêu gương, không gương mẫu thì làm cán bộ để làm gì? cho nên nhấn mạnh vào trách nhiệm của gần 200 Ủy viên Trung ương phải gương mẫu, làm trước và thống nhất cao, và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nói thẳng noi gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương để cho các người khác làm theo.
Đề cập đến việc Trung ương thống nhất cao quyết định giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Việt Nam đã có giai đoạn lịch sử Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng sau đó rồi tách. Đến bây giờ, không phải vì nhất thể hoá mà đây là tình huống. Vừa rồi không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay. Khuyết chức danh Chủ tịch nước phải có người làm thay, Bộ Chính trị, Trung ương chuẩn bị nhiều phương án, thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng Bí thư ứng cử Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của Trung ương còn phải chờ kết quả bầu của Quốc hội.
Theo Tổng Bí thư, không nên nói là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì được nhưng không đúng tiêu chí. Vì đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính, vai nào phụ. đồng thời cũng không nói nhất thể hoá, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc.
“Cá nhân tôi xin trân trọng cảm ơn và sẽ tuỳ thuộc vào kết quả Quốc hội bầu, khi đó có gì sẽ hứa hẹn sau” - Tổng Bí thư nói.