Sẽ điều chỉnh phí dịch vụ cảng biển
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề xuất Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam.
Dịch vụ cảng biển cần được đầu tư mạnh mẽ.
Bộ Giao thông vận tải đưa ra 2 phương án: Phương án 1, giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng: Khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng từ 30 USD/cont20’, 45 USD/cont40’ lên 33 USD/cont20’ và 55 USD/cont40’.
Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực ĐBSCL giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III.
Phương án 2, khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình: Năm 2019 là 33 USD/cont20’ và 50 USD/cont40’ (tăng 10%), năm 2019 là 37 USD/cont20’ và 56 USD/cont40’ (tăng 20%), năm 2020 là 41 USD/cont20’ và 62 USD/cont40’ (tăng 30%).
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất điều chỉnh hướng: khu vực Lạch Huyện điều chỉnh tăng khoảng 10% so với mức quy định tại Quyết định số 3863, lộ trình đến năm 2021, tăng từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’. Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 10% so với hiện tại, từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’. Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III.
Quan điểm Bộ GTVT cho biết, cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ vận tải còn thiếu. Các trung tâm logistic chưa thật sự phát huy được thế mạnh. Trong khi đó nguồn lực để tái đầu tư phát triển cảng biển hạn chế. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển khốn khó.
Giới chuyên gia cũng từng cho rằng, muốn phát triển dịch vụ cảng biển phải có thay đổi.
Mặc dù quy mô kinh tế biển đảo và vùng ven biển của Việt Nam còn nhỏ bé mới chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, trong khi kinh tế biển của thế giới ước khoảng 1300 tỷ USD, nhưng liên tục tăng những năm qua, cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, với sự phát triển các ngành kinh tế dịch vụ có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ như khai thác dầu khí, thủy sản, du lịch biển đảo, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Cả nước đã hình thành 15 khu kinh tế biển tổng hợp các ngành nghề như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp gắn với cảng biển, hậu cần nghề cá, vận tải biển, du lịch biển… Kết cấu hạ tầng của các đảo cũng được cải thiện, một số đảo đang trong quá trình phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vần Đồn, Cát Hải, Cồn Cỏ, Phú Quốc…
Thế nhưng ngành logistics biển đảo chưa được quan tâm phát triển. Nhiều rào cản cho sự phát triển hệ thống logistics quốc gia, làm hạn chế đến cả sự phát triển bền vững kinh tế biển đảo.
Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào cho rằng, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistics quốc gia bao gồm cả logistics biển, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy (biển)....
Hệ thống này phải được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại và phải được kết nối thông qua các trung tâm logistics, kết nối với các cảng biển, các khu kinh tế biển. Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn tuyến đường vận tải ven biển, tuyến đường sắt Bắc Nam, đường sắt nối với các cảng biển, làm tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế biển đảo, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ông Lê Huy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng nêu quan điểm kết nối hệ thống hạ tầng hiện nay chưa tốt nên chi phí logistics còn cao, chưa hợp lý trong khi cần phát huy cảng biển đường thủy nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ. Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển sẽ hỗ trợ các cảng biển trong việc có thêm nguồn lực tái đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, hiện đại hoá công nghệ, mở rộng kết nối.