Dư vị quá khứ từ chợ cá lớn nhất thế giới
Sau nhiều năm trì hoãn và gây ra vô số cuộc tranh cãi, chợ cá Tsukiji nằm ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản - một trong những điểm hút khách du lịch nước ngoài nổi tiếng nhất của thành phố này - cuối cùng đã phải đóng cửa.
Nổi tiếng nhất ở Tsukiji là những phiên đấu giá cá ngừ đại dương (Nguồn: StraitTimes).
Một phần lịch sử của Tokyo
Việc khu chợ cá nổi tiếng này đóng cửa trong hôm 6/10 vừa qua đã đánh dấu sự chấm dứt của một kỷ nguyên mà nó là biểu tượng của đô thị bắt đầu từ những năm 1930, và được xác nhận là chợ cá, hải sản lớn nhất thế giới. Khu chợ này sẽ được dịch chuyển tới phía Đông Tokyo - chợ cá Toyosu - và bắt đầu hoạt động từ ngày 16/10.
Chợ cá Tsukiji mở cửa vào năm 1935, dù một số quầy bán cá trong khu vực này đã tồn tại từ những năm 1600. Nó nhanh chóng trở thành khu chợ cá và hải sản lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những khu chợ bán sỉ lớn nhất. Theo nhiều báo cáo khác nhau, khu chợ này bán ra khoảng 2.267.961 kg hải sản từ khắp mọi nơi trên thế giới mỗi ngày, ước tính giá trị khoảng 28 triệu USD.
Ngoài vai trò là một tuyến thương mại quan trọng, trong nhiều năm liền, Tsukiji đã trở thành một điểm đến mà không một du khách nước ngoài nào có thể bỏ qua. Đi vào bên trong khu chợ - nơi mà những quầy hàng bán hải sản cho các công ty và nhà hàng - dễ tạo cho du khách cảm giác choáng ngợp.
Nổi tiếng nhất trong hoạt động của chợ chính là các phiên đấu giá cá ngừ đại dương vào buổi sáng sớm, khi mà du khách được chứng kiến người ta ra giá để thu mua những tảng cá lớn. Bên ngoài chợ là vô số quầy bán lẻ và nhà hàng hải sản, nơi du khách có thể thưởng thức những món đồ biển tươi ngon nhất.
Nhiều năm tranh cãi
Kế hoạch di dời chợ cá tới Toyosu đã được công bố từ nhiều thập kỷ trước, nhưng không thể thực hiện mà phải đợi đến đầu năm 2010. Lý do di dời chính là vì khu chợ này đã quá cũ kỹ, những cấu trúc bên trong nó được xây dựng từ những năm 1935; ngoài ra khu chợ còn nằm trên một khối bất động sản cực kỳ có giá trị, có thể được sử dụng để xây dựng sân vận động phục vụ cho Olympic Tokyo 2020.
Chợ cá Toyosu ban đầu dự kiến mở cửa vào tháng 11/2016, nhưng bị trì hoãn vì vô số lý do, trong đó có nhiều quan ngại về đất bị nhiễm độc. Trước đây, mảnh đất này thuộc về một nhà máy sản xuất khí ga, và dường như lớp đất bên dưới nó đã bị nhiễm nhiều loại hóa chất mà nhà máy thải ra.
Sau một chiến dịch làm sạch đất, giới chuyên gia tuyên bố rằng khu vực này đã có thể được sử dụng một cách an toàn. Và giờ, khu chợ dự kiến sẽ mở cửa vào ngày 16/10 tới.
Tuy nhiên, nó vẫn là một đề tài gây tranh cãi ở Nhật Bản. Rất nhiều cư dân Tokyo lo ngại rằng việc di dời chợ cá Tsukiji sẽ ảnh hưởng tới một hình ảnh lịch sử của thành phố, trong khi nhiều địa điểm du lịch hút khách ở trong nước đang dần biến mất. Phản ứng dữ dội nhất chính là những người làm việc tại chợ cá Tsukiji, họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chỉ vài ngày trước khi khu chợ bị đóng cửa chính thức.
Dư vị của quá khứ
Nhưng dù có muốn hay không, thì Tsukiji vẫn phải di dời tới Toyosu như kế hoạch. Theo chính quyền Nhật Bản, chợ Toyosu sẽ mở cửa miễn phí cho tất cả du khách, bắt đầu từ 8h sáng mỗi ngày. Các phiên đấu giá cá ngừ hàng ngày vẫn được tổ chức ở địa điểm mới, bắt đầu từ 4h30.
Du khách đến đây cũng sẽ có nhiều lựa chọn ăn uống cho mình, với khoảng 40 quầy bán hàng ăn dự kiến sắp mở cửa.
Mọi hoạt động liên quan tới du lịch ở chợ cá Tsukiji đã bị ngừng từ tháng 9 vừa qua, và khu vực bên trong chợ bị đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 6/10. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng khu vực xung quanh chợ cũng ngừng hoạt động. Khu vực ngoài của Tsukiji - nơi có rất nhiều quầy bán đồ ăn và nhà hàng hải sản - vẫn sẽ hoạt động.
Du khách muốn tới khu vực đó chỉ cần đến trạm xe điện Tsukiji Shijo trên tuyến Oedo hoặc trạm Tsukiji trên tuyến Hibiya, thưởng thức hương vị của một phần lịch sử của Tokyo.
Du khách vẫn có thể tham gia vào nhiều tour du lịch đi vào bên trong và khu vực lân cận khu chợ cổ kính này, để tìm hiểu về lịch sử của Tsukiji và cách mà nó hình thành nên một phần của thành phố thủ đô. Dù Tsukiji đã đóng cửa để nhường đường cho khu chợ tương lai, nhưng những người đến đây vẫn có thể thưởng thức hương vị của quá khứ.