Vươn ra biển, giàu lên từ biển
Việt Nam được coi là “quốc gia biển” với chiều dài bờ biển trên 3.000km, lãnh hải hơn 1 triệu km2, cùng rất nhiều đảo, cụm đảo. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam luôn coi biển cả là “cánh cửa” để đất nước hướng ra thế giới.
Lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám khóa XII, cùng với việc nhìn nhận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội; về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển: Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Cụ thể là tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo… Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện Chiến lược biển cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.
“Trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam. Cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, các vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng phát triển các trung tâm kinh tế ven biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy lợi thế về điều kiện địa chiến lược, kinh tế, chính trị và tự nhiên. Khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên biển, làm động lực cho phát triển kinh tế đất nước”- Tổng Bí thư nhấn mạnh đồng thời lưu ý cần tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.
Việt Nam được coi là “quốc gia biển” với chiều dài bờ biển trên 3.000km, lãnh hải hơn 1 triệu km2, cùng rất nhiều đảo, cụm đảo. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam luôn coi biển cả là “cánh cửa” để đất nước hướng ra thế giới. Từ xa xưa, những con thuyền lá tre mong manh của người Việt đã vượt sóng gió đại dương để khai thác nguồn lợi hải sản, đồng thời cũng là để xác lập chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Trong hành trình gian nan ấy, biết bao người đã một đi không trở lại. Hôm nay, đến đảo Lý Sơn, người ta vẫn còn thấy những ngôi mộ gió gọi hồn những con người đã vùi thây trong biển cả mênh mông. Chiều xuống, trong tiếng sóng biển rì rào, những làn gió từ biển khơi đưa về vẫn như còn vang vọng tiếng ốc u linh thiêng của người dân trên đảo...
Biển cả là không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của người Việt Nam. Những năm qua, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển đã được thực thi và dần trở thành hiện thực. Những con tàu vỏ thép, những con tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ lần lượt xuất hiện. Những nghiệp đoàn nghề cá ra đời gắn kết ngư dân. Lực lượng Cảnh sát biển được thành lập nhằm thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển. Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 21/6/2012, gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013... Tất cả những điều đó cho thấy Chiến lược biển của đất nước là nhất quán và rõ ràng.
Tới nay, vùng duyên hải của đất nước từ Bắc tới Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều đô thị ven biển hình thành như những cột mốc vững vàng của một quốc gia hướng ra biển. Cũng tại khu vực này, du lịch ngày càng phát triển, như một bộ phận cấu thành quan trọng kinh tế biển của đất nước. Về lâu về dài, duyên hải, biển đảo vẫn sẽ là một hướng phát triển giàu tiềm năng của đất nước.
Chính vì thế, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, thì việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế là vô cùng hệ trọng. Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển- vì vậy cũng chính là sự kỳ vọng của đất nước không chỉ đối với hôm nay, mà còn là khát vọng vươn ra biển, giàu lên từ biển của người Việt Nam.