Con cái luôn noi gương cha mẹ
Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ những kinh nghiệm giáo dục, chăm sóc trẻ vị thành niên, quan hệ cha - con với Tinh Hoa Việt, từ Mỹ.
Giáo sư Trương Nguyện Thành.
1. “Nhiều nghiên cứu về xã hội học ở Mỹ cho biết phần lớn trẻ vị thành niên tìm đến ma túy từ gia đình thiếu tình thương và sự quan tâm của cha mẹ và đặc biệt từ gia đình mà cha mẹ đã ly dị (single parent families). Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, người lớn thường phải vật lộn với cộng việc để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Do đó thời gian dành để chăm sóc con cái khá hiếm hoi và đặc biệt cho gia đình chỉ có một người lớn (cha hay mẹ) lo toan mọi chuyện. Chính sự thiếu quan tâm, tình cảm, chăm sóc, và giáo dục gia đình từ việc không có thời gian đã đẩy trẻ vị thành niên tìm đến những bạn bè có ảnh hưởng xấu”.
“Theo luật pháp Mỹ cha mẹ chịu trách nhiệm phần lớn hành vi của con dưới tuổi vị thành niên kể cả việc phải bồi thường tài sản cho cá nhân hay chính phủ mà con mình gây thiệt hại. Chính vì thế cha mẹ Mỹ rất quan tâm đến hành vi của con mình trước công chúng. Nếu Việt Nam chưa có luật này, tôi nghĩ chính phủ nên xem xét vì trách nhiệm dạy dỗ con về hành vi phần lớn là ở cha mẹ chứ không phải nhà trường hay chính phủ”.
2. Trẻ vị thành niên trong giai đoạn dậy thì rất khó “dạy” vì tốc độ thay đổi tâm sinh lý của các em. Các em thường trở nên ít nói chuyện với cha mẹ hơn, thậm chí hay cãi lại để thể hiện tính khí độc lập, v.v. Xã hội và môi trường sống ảnh hưởng không ít đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. Thí dụ điện thoại thông minh với kết nối mạng giúp các em có thể tiếp cận mọi thông tin kể cả tốt và xấu. Cha mẹ thường không bắt kịp xu thế của công nghệ nhanh bằng lứa trẻ do đó sẽ càng khó để giúp con cái vượt qua giai đoạn khó khăn này. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực từ cha mẹ chứ không phải từ con cái”.
“Để giúp con mình vượt qua giai đoạn khủng hoảng của tuổi dậy thì, nếu chờ đến lúc con “biết nghĩ” ở tuổi dậy thì mới bắt đầu quan tâm thì đã quá trễ vì giai đoạn ấy là giai đoạn khó dạy nhất. Đúng là thời gian hai con trai tôi lớn lên tôi hết sức bận rộn với công việc, thêm nữa chúng không sống chung với tôi (vì tôi và vợ ly dị khi chúng còn bé) nên việc dạy con khó gấp bội. Tôi nhận thức được niềm tin ở con là điều tối quan trọng nên khi chúng còn trẻ dưới 10 tuổi tất cả mọi việc tôi làm với con hay cho con đều với một mục tiêu duy nhất đó là xây dựng niềm tin ở con.
Từ khi chúng biết nói, tôi xây dựng vài nguyên tắc trong quan hệ cha con với con.
1. Tình thương của ba cho con là tuyệt đối và vô điều kiện. Con có thể nói với ba bất kỳ điều gì cho dù xấu đến đâu nhưng nếu thành thật thì ba sẽ không la rầy hay kỷ luật. Nhưng nếu nói láo thì ba sẽ rất giận và chắc chắn sẽ có hậu quả không vui cho con.
2. Con là ưu tiên hàng đầu của ba cho nên con có thể gọi và yêu cầu sự quan tâm của ba bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.
3. Con có thể làm bất kỳ điều gì con thích miễn sao điều ấy không ảnh hưởng xấu đến sự an toàn của con, đến người khác, và kể cả sinh vật.
Hai nguyên tắc đầu giúp tôi có thể trao đổi mọi chuyện với con. Khi con có lầm lỡ thì tôi tuân thủ nguyên tắc số 1 và từ đó con tin vào việc chia sẻ những trải nghiệm hay việc làm của mình với bạn bè mà không sợ tôi phán đoán và la rầy. Nếu việc làm không tốt thì tôi chỉ ra điểm không tốt và khuyên không nên làm như thế nữa.
Nguyên tắc 3 giúp con khi muốn làm điều gì mới mà không biết nên hay không thì hỏi ý ba. Tôi khá thoáng trong việc tạo cơ hội cho con trải nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống nên thường để cho con tìm hiểu.
Riêng về các chất gây nghiện như ma túy, khi con vào tuổi dậy thì khoảng 14-15 tuổi thì tôi cho con coi các videos về các tai hại của các chất ấy. Khi con nhận thức được sự nguy hiểm của nó, tôi nói với con “ba không cấm con trải nghiệm trong cuộc sống tuy nhiên có một thứ mà ba muốn con hứa với ba là con sẽ không thử khi còn học trung học hay đại học đó là sử dụng chất gây nghiện như ma túy”. Và tôi có được lời hứa của con và chúng đã không làm tôi thất vọng”.
3. “Nếu bạn muốn con có cuộc sống tích cực thì chính bản thân cha mẹ phải có lối sống tích cực và lành mạnh. Con cái lúc nào cũng noi gương cha mẹ! Thêm nữa khuyến khích cũng như khen ngợi khi con có những hành vi, hoạt động hay ứng xử tích cực từ khi con mới ra đời. Không khuyến khích cũng như không quan tâm, không để ý đến khi con có những hành vi không tích cực.
Con cái từ khi còn nhỏ muốn có sự quan tâm của cha mẹ, nếu hành động đó đem đến sự quan tâm (khen ngợi hay la rầy) thì chúng sẽ hành động như thế hoài.
Hai điều con cái cần mà cha mẹ ít khi lưu ý.
1. Cần niềm tin vào tình thương của cha mẹ cho dù con có lầm lở. Cha mẹ hay đùa với con nhỏ “Con làm như thế cha/mẹ không thương con nữa” là một sai lầm trầm trọng trong việc dạy con. Khi con lầm lỡ cha mẹ không hài lòng, không vui và có lời khuyên cho con nhưng cha mẹ lúc nào cũng thương con.
2. Cần không gian để trưởng thành. Cho con được trải nghiệm trong không gian cho phép.”