Xây dựng Luật Công tác xã hội: Lấp khoảng trống chính sách
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa xác định rõ vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm công tác xã hội, có nghĩa là hành lang pháp lý để nhân viên công tác xã hội thực thi nhiệm vụ trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội vẫn là “khoảng trống”. Chính vì vậy việc ban hành Luật Công tác xã hội là vô cùng cần thiết.
Chia sẻ về sự cần thiết phải ban hành Luật Công tác xã hội, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐTBXH cho biết: Hiện ở Việt Nam số người cần sự trợ giúp xã hội chiếm khoảng 20% dân số cả nước. Trong đó có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 12% hộ nghèo, hơn 2,6 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện... Bên cạnh đó, hoạt động công tác xã hội không chỉ cần cho đối tượng yếu thế. Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu cần tới dịch vụ này. Thế nhưng ở Việt Nam nghề công tác xã hội mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa phát triển đúng ý nghĩa từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động.
Lý do, theo ông Bốn, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa xác định rõ vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm công tác xã hội, có nghĩa là hành lang pháp lý để nhân viên công tác xã hội thực thi nhiệm vụ trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội vẫn là “khoảng trống”.
Cũng theo ông Bốn, Vụ Pháp chế đã chủ trì một cuộc rà soát hệ thống pháp luật từ năm 1945 đến nay. Kết quả cho thấy, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có một đạo luật riêng biệt, rành mạch quy định về hoạt động này. Hy hữu, các quy định nếu có chỉ nằm rải rác ở các luật về lĩnh vực trẻ em, hôn nhân và gia đình, không mang tính tác động trực tiếp. Các quy định này chủ yếu có tính bổ trợ và suy diễn để áp dụng trong lĩnh vực công tác xã hội. “Xét về góc độ pháp lý, quy định rõ ràng nhất về nghề công tác xã hội mới ở cấp thông tư của Bộ LĐTBXH, Bộ Nội vụ cũng mới quy định chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm của nhân viên công tác xã hội. Còn văn bản pháp lý cao nhất hiện nay vẫn là quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội được ban hành năm 2010”- ông Bốn nhấn mạnh.
Thực tế tại hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội” do Cục Bảo trợ xã hội-Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân cũng như để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thì việc ban hành Luật Công tác xã hội là cần thiết.
Theo PGS.TS Trịnh Văn Tùng - Trường Đại học Khoa học Xã hội nhân văn, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đã có luật hoặc quy định về nghề công tác xã hội trong đó đưa ra những quy định về thực hành công tác xã hội vào các luật chuyên ngành, đặc biệt là lĩnh vực phúc lợi trẻ em, sức khỏe, giáo dục. Ngoài ra, các nước có luật, quy định về giáo dục, đào tạo nhân viên công tác xã hội để đảm bảo người có đủ trình độ chuyên môn mới được hành nghề công tác xã hội. Do đó cần xây dựng một Luật khung cấp quốc gia để bao phủ các vấn đề then chốt của nghề công tác xã hội như: Định nghĩa về các chức danh công tác xã hội; các cấp hoạt động và phạm vi hoạt động đi kèm với mỗi chức danh; quy định về vấn đề đào tạo, chứng chỉ, giấy phép hành nghề công tác xã hội…
Đánh giá việc ban hành Luật Công tác xã hội là cần thiết, song theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật cần thận trọng, nghiên cứu kỹ đảm bảo tính khả thi. Luật phải quy định theo hướng chức năng, nhiệm vụ của nghề công tác xã hội và từ chức năng, nhiệm vụ đó ban hành pháp luật. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp khác về công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội, cũng như chú trọng công tác tuyên truyền để thúc đẩy hoạt động công tác xã hội phát triển mạnh mẽ.