Nâng sức cạnh tranh cho gạo Việt
Giảm bớt tình trạng manh mún, phân tán, tăng tính chuyên nghiệp và tập trung vào những dòng sản phẩm chất lượng cao... là hướng đi mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hướng đến. Đó là ý kiến mà các doanh nghiệp, giới chuyên gia đưa ra tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam được Bộ Công thương tổ chức chiều ngày 10/10 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Công thương).
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, gần đây, ngành gạo đã có bước phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Gạo xuất khẩu chiếm 15% tổng lượng gạo toàn thế giới. 9 tháng đầu năm, giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD và mục tiêu cả năm 2018 sẽ đạt 2,8 tỷ USD.
Hiện nay, mặt hàng gạo Việt đã có mặt trên gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với sản phẩm tương đối đa dạng và chất lượng cao như gạo hạt dài, gạo thơm, hữu cơ...hạt gạo Việt đã bước đầu thâm nhập vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)...
Đưa ra nhận xét tại Hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết ngành lúa gạo đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Từ việc chú trọng sản lượng xuất khẩu, chúng ta đã chú trọng hơn đến chất lượng, mang đến thị trường thế giới những sản phẩm gạo cao cấp.
“Những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống lúa, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã và đang từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam” – ông Hải nhấn mạnh. Theo ông Hải, bên cạnh những nhóm giống cải tiến, năng suất cao đóng vai trò then chốt trong việc tăng chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam như OM6162, OM6677, OM6561... các giống lúa thơm chất lượng cao nhằm phục vụ các phân khúc thị trường cấp cao cũng được quan tâm, như giống Jasmine 85, ST5, ST 20…
Tuy nhiên, theo ông Hải, mặc dù sản phẩm gạo Việt đã bước đầu thâm nhập các thị trường đòi hỏi chất lượng cao, song Việt Nam vẫn cần khắc phục một số điểm yếu.
Cụ thể, đó là năng lực tiếp cận thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế; việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Sản phẩm gạo cũng chưa gây dựng được thương hiệu nên ít được được người tiêu dùng thế giới biết đến.
Bởi vậy, ông Hải cho rằng, Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt nam sẽ giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh sản phẩm hạt gạo Việt ngày một chất lượng hơn, đa dạng hơn về chủng loại, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.
Loại bỏ sản xuất manh mún
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhấn mạnh gạo là một trong những mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt trong nhóm nông – lâm – thuỷ sản. Hiện nay dù nhiều quốc gia đã tham gia xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn luôn nằm trong top đầu những nước xuất khẩu lớn nhất, chỉ sau Thái Lan, Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện nay các quốc gia nhập khẩu đang có những động thái quản lý chặt hơn mặt hàng này. Đơn cử, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam đã áp dụng chính sách nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Điều này đã hạn chế DN Việt xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là động lực giúp các DN Việt Nam cọ xát, nâng sức cạnh tranh.
“Chúng ta đã và đang dần nâng sức cạnh tranh nhờ việc chú trọng vào chất lượng và tính chuyên nghiệp, thay vì dựa vào sản lượng như trước đây” – ông Hải nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thuý Kiều Tiên - Phó viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, cho biết mục tiêu của chúng ta là xây dựng, nâng cao giá trị hạt gạo, theo đó, các DN cần chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt chú ý đưa ra những giống lúa chất lượng có thể chịu đựng được điều kiện bất lợi của môi trường bởi Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm từ sự phát triển của DN, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng những năm gần đây câu chuyện “chạy theo sản lượng của các DN Việt” đã thay đổi. Người ta nhắc đến gạo Việt là nhắc tới chất lượng, an toàn, giống… Ngành gạo đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Theo ông Thòn, DN Việt đã nhận thức rõ rằng, cần có sự thay đổi lớn để có thể ghi được tên mình vào bản đồ thế giới.
“Chúng tôi áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Theo đó đó, DN và bà con nông dân cùng nhau quy hoạch tập trung nguyên liệu, hay nói cách khác chính là sản xuất tập trung theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lại thành hộ lớn, thành hợp tác xã. Chính nhờ sự liên kết này, câu chuyện sản xuất manh mún, phân tán, không rõ nguồn gốc đã trở thành quá khứ” – ông Thòn nhấn mạnh.
* Nếu trước đây, nói về gạo Việt là nói về sản lượng thì nay đã chú trọng hơn vào chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm. Đó là kết quả của việc DN, bà con nông dân chung tay áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.