Lên phương án di dời dân khu vực di tích Kinh thành Huế

PV 11/10/2018 08:00

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã họp để thông qua Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế. Được biết, sẽ có hơn 4.200 hộ dân được di dời với nguồn kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng.

Lên phương án di dời dân khu vực di tích Kinh thành Huế

Nhiều hộ dân tại khu vực Kinh thành Huế sẽ được di dời.

Đây là kế hoạch lớn của tỉnh Thừa Thiên-Huế được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên không thể làm nhanh. Được biết, trước đây tỉnh đã từng đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong khu vực I di tích Kinh thành Huế trình Thủ tướng Chính phủ.

Từ khi Quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (năm 1993), chính quyền địa phương đã tăng cường quản lý việc sử dụng đất, xây dựng công trình cũng như hạn chế gia tăng dân số cơ học ở khu vực I Kinh thành Huế.

Bên cạnh đó là tiến hành di dời dân để trả lại nguyên trạng di tích. Từ năm 1996 đến nay đã di dời được hơn 1.050 hộ ở các điểm di tích liên quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tới 4.200 hộ dân đang sinh sống trong khu vực, phần lớn là người nghèo, nhà cửa tạm bợ.

Trên cơ sở đó, Đề án di dời dân cư ở khu vực nói trên sẽ được triển khai thực hiện theo 2 giai đoạn: Từ 2019-2021 sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Tường thành, Eo bầu, Hộ thành hào và Tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, di tích Trấn Bình Đài…

Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng với quy hoạch cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, trên quy mô diện tích 105 ha ở phường Hương Sơ, TP Huế. Sau khi thực hiện việc di dời, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích, đồng thời triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở khu vực Kinh thành Huế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ, đây là một đề án lớn không chỉ nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử và bảo tồn các giá trị văn hóa do tiền nhân để lại cũng như đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị và phát huy giá trị di tích phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn ổn định và nâng cao đời sống của hàng nghìn người dân sinh sống trong các khu vực di tích. Cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

PV