Sóng gió trong quan hệ Mỹ - Arab Saudi
Dưới sức ép từ Quốc hội, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan: Làm thế nào để phản ứng về vụ một nhà báo Arab Saudi mất tích trong khi vẫn đảm bảo rằng hành động trừng phạt của họ không khiến đồng minh Arab Saudi phật lòng.
Vụ nhà báo Jamal Khashoggi thách thức quan hệ Mỹ - Arab Saudi. Nguồn: Reuters.
Sự phẫn nộ của Quốc hội Mỹ
Hiện nay, các Thượng nghị sỹ có uy tín của Quốc hội Mỹ đã thể hiện rõ sự không bằng lòng của mình đối với Arab Saudi, trong đó Thượng nghị sỹ Bob Corker khẳng định: “Các bạn không thể đi loanh quanh và giết hại các nhà báo được”. Thượng viện Mỹ còn đang cố gắng mở một cuộc điều tra về vụ việc, trong khi chính quyền Riyadh bác bỏ sự liên quan tới vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi.
Tổng thống Trump, người đã thiết lập mối quan hệ gần gũi với Hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman sau khi nhậm chức, ngày càng tỏ rõ sự bối rối của ông trong vụ việc này. Đưa ra hành động hà khắc đối với một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Trump sẽ mâu thuẫn với việc chính quyền Washington im lặng trước cuộc chiến mà Arab Saudi khuấy động ở Yemen.
Thượng nghị sỹ Corker - Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, hiểu rõ về tính chất của vụ việc này. Trong trường hợp Arab Saudi phải chịu trách nhiệm về vụ việc, nó có thể gây ảnh hưởng tới chiến lược kìm hãm Iran của Mỹ.
“Vụ việc có thể ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác mà chúng ta đang làm việc với họ” - ông Corker phát biểu trong hôm 11/10, thêm rằng mối quan hệ giữa Thượng viện với Arab Saudi đang ở mức “rất, rất thấp”.
Từ trước đó thì Riyadh đã phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ do số thường dân thiệt mạng lớn mà họ gây ra trong cuộc chiến ở Yemen.
Hôm 10/10 vừa qua, tức một tuần sau khi nhà báo Khashoggi mất tích, Nhà Trắng nói rằng giới chức cấp cao của họ đã nói chuyện với Hoàng thái tử Salman, trong đó ông Trump mô tả vụ việc lần này là “hết sức nghiêm trọng”.
Hiện nay, cả 2 chính đảng của Mỹ đều lên án vụ việc này, trong đó có cả những đồng minh của ông Trump, giới phân tích chính trị ngoại giao, cựu quan chức Mỹ và cả những chuyên gia bình luận có quen biết với ông Khashoggi...tất cả đều gây sức ép buộc Nhà Trắng phải đưa ra quan điểm cứng rắn.
Khashoggi - người sinh sống ở nước Mỹ trong suốt năm 2017 - lần cuối cùng được nhìn thấy ở Tòa lãnh sự Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Hôn thê của ông Khashoggi là Hatice Cengiz, lúc đó chờ bên ngoài, nói rằng ông Khashoggi đã không trở về. Trong khi đó, các nguồn tin của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Khashoggi đã bị sát hại bên trong tòa nhà này.
Nguy cơ rạn nứt
Hôm 11/10, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa cảnh báo rằng nếu Arab Saudi đứng đằng sau vụ việc này, họ sẽ “phải trả giá đắt”. “Nếu họ trơ tráo đến vậy, đó là sự sỉ nhục, sự sỉ nhục đối với tất cả những gì chúng ta đại diện và đối với mối quan hệ giữa hai bên. Tôi không muốn phán xét trước, nhưng nếu họ thực sự đứng đằng sau vụ việc này, thì sự sỉ nhục sẽ bị đáp trả bằng sự sỉ nhục” - ông Graham nói.
Cuối hôm 10/10, gần 1/4 thành viên Thượng viện Mỹ đã viết một bức thư gửi tới Tổng thống Trump để kêu gọi mở một cuộc điều tra đối với vụ việc này. Nếu phát hiện Arab Saudi có liên quan, nhiều cá nhân ở nước này sẽ bị trừng phạt theo các bộ luật nhân quyền Mỹ.
Trong tình trạng Quốc hội gây sức ép lớn cho chính quyền Trump như hiện nay, giới lập pháp có thể cắt các nguồn ngân sách cho Lầu Năm Góc vốn được sử dụng để viện trợ cho liên minh quân sự mà Arab Saudi dẫn đầu trong chiến dịch ở Yemen; thậm chí gây sức ép để chính quyền Trump áp lệnh trừng phạt với Riyadh.
Tình trạng căng thẳng còn có thể gia tăng nếu như đảng Dân chủ giành được đa số ghế trong một hoặc cả hai Viện trong Quốc hội sau kỳ bầu cử tổ chức vào ngày 6/11 tới. Tuy nhiên, họ vẫn phải cân nhắc tới sự cần thiết của đồng minh Arab Saudi trong các mục tiêu chính sách ngoại giao của Mỹ, bao gồm sứ mạng hòa bình Trung Đông, nguồn cung dầu mỏ...
“Riyadh là đồng minh Arab đáng tin cậy duy nhất của Mỹ bởi họ chấp nhận hầu hết các mục tiêu lâu dài của Mỹ” - Hussein Ibish, chuyên gia phân tích thuộc Viện Các nước Vùng Vịnh, trụ sở ở Washington, nhận định.
Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ trong Quốc hội Mỹ hiện nay đã lan sang lưỡng đảng. “Chúng ta có lợi ích chung trong việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, nhưng đây là những vấn đề về nhân quyền” - Thượng nghị sỹ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa nói với Reuters.