Trở về đỉnh cao để hiểu thẳm sâu
Tôi đã đọc gần như một mạch 30 tản văn trong tập sách của Đỗ Bích Thúy bằng niềm xúc động và sự cuốn hút kỳ lạ. Mỗi câu chuyện giống như một mạch ngầm ký ức chảy về, ắp đầy kỷ niệm và tình yêu.
1. Đỗ Bích Thúy vốn là người trên núi, người vùng cao, như chính tên tập sách đã hé mở một phần. Làng của chị một nửa là người Tày, một nửa là người Kinh. Có thể thấy, Đỗ Bích Thúy yêu vô cùng ngôi làng của mình. Ngôi làng ấy có lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông Lô. Có dòng suối chạy qua những thửa ruộng, đưa nước vào cánh đồng. Có những nếp nhà sàn yên bình liền nhau nơi chân núi. Từ ngôi nhà nhỏ của chị, bước ra sân là đã nhìn thấy rừng. Nào cọ, nào vầu, sổi, dẻ, bạch đàn, mần tang… Đó thực sự là cả một thế giới đối với trẻ thơ. Trẻ con có thể tha hồ chạy vào rừng để chơi, tìm măng, hái quả hay có khi chỉ là nằm khểnh ở một chỗ nào, đung đưa vắt vẻo nhìn trời xanh. Mái nhà nhỏ của chị, có một bờ ao để mẹ trồng rau. Mảnh vườn nhỏ ấy có đủ các loại rau thơm, rau ngót, rau đay, dứa, su hào, cà rốt, có cả chanh và ớt nữa…Tất cả những chi tiết ấy, tôi nghĩ có khả năng đánh động vùng ký ức tuổi thơ của biết bao người trong số chúng ta, nó gần gũi thân thương như bất cứ một ngôi làng nào trên đất nước mình. Dĩ nhiên, rừng núi vẫn là đặc trưng riêng của quê hương Đỗ Bích Thúy, nên khi đã xa quê, chị có thể kể với chúng ta nỗi nhớ về những đám mây, về những làn khói bay lên từ các nếp nhà sàn. Những câu văn chị viết đẹp như thơ: “Từ mỗi nếp nhà, khói bắt đầu vấn vít bay lên. Ngọn khói như gọi người nào chưa về thì nhớ về trước khi bóng tối sập xuống (…) Ngọn khói màu xanh, nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái lá… Ngọn khói len qua đầu hồi, vương vít mãi ở ngọn cây hồng nằm sát mái nhà, bị gió thổi cho loãng đi, tan đi. Nhưng cái mùi của khói thì quẩn mãi. Khói có mùi của những hạt ngô còn sót lại trên những lõi ngô khô bị đốt cháy, mùi của gộc củi gỗ dẻ, mùi của tinh dầu vỏ cam, mùi của vỏ cây sẹ bị tước dùng thay lạt, có cả mùi của lông chú mèo tam thể nằm sưởi, mải ngủ. lửa bén xém một khoảng…” .
2. Những ký ức quê nhà của Đỗ Bích Thúy dĩ nhiên không chỉ có thiên nhiên. Cái quan trọng hơn ở sau mỗi bức tranh khung cảnh ấy bao giờ cũng là con người. Tác giả kể với chúng ta về những người bạn thuở ấu thơ, về cái Thu người Tày rất thật thà và tin vào những vị thần; về cái G. què liều lĩnh, lì lợm, gan dạ và hay bịa chuyện; về bà Đỉnh hay kể chuyện ma, về bà cụ hàng xóm trăm tuổi tai nghễnh ngãng hàng ngày ngồi tãi lá thuốc ngoài sân, chẳng bao giờ hiểu cô cháu gái đang nói gì với mình. Nhưng xúc động nhiều hơn cả chính là những câu chuyện về gia đình của tác giả. Nhà có bốn anh chị em, nhưng chị Thủy không may bị đuối nước khi mới vừa 8 tuổi. Gia đình khi chuyển về Hà Nội để chị nằm yên nghỉ lại với vùng núi quê hương, nhưng dường như trong mỗi bước chân của Thúy trên đường đời, luôn có chị ở bên, luôn có tiếng gọi: “Thúy! Thúy!” mỗi khi gặp hiểm nguy, mỗi khi vui buồn… Đỗ Bích Thúy có một người cha nguyên là chiến sĩ lái xe kéo pháo lên Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông có thể làm thợ mộc, thợ điện, thợ hàn, thợ cơ khí, thợ may dù mới chỉ học hết lớp 7. Ông tự đóng những đôi guốc cho Thúy đi, và luôn luôn là màu sơn đỏ. Ông có thể ngồi cả ngày để khâu cho mẹ Thúy một chiếc quần sa tanh. Ông nấu ăn rất ngon, đi chợ bán hàng rất khéo… Và cũng chính ông đã truyền tình yêu sách vở, văn chương cho cô con gái từ những ngày ấu thơ, vào mỗi cuối tuần lại cho con về thị xã đi chợ cùng, bán xong hai sọt cam sẽ được mua một hoặc hai cuốn sách…
Thúy có một người mẹ tần tảo, hàng ngày chăm chút cho vườn rau, rồi trồng cam nuôi gà, làm món bắp cải cuộn thịt mà Thúy rất thích. Chỉ có trái tim người mẹ mới nói được thế này: “Tôi cảm thấy là ngày mai cái Thúy sẽ về ông ạ”. Và đúng là Thúy về thật, bao giờ cũng thế. Đỗ Bích Thúy kể với chúng ta những câu chuyện rất đỗi bình dị mà sao đọc xong thấy cay sống mũi, có thể nước mắt bạn đã lặng lẽ rơi trên trang giấy lúc nào không hay. Giọt nước mắt của Thúy đã thấm qua bao trang văn. Đó có thể là giây phút thảng thốt khi nghe thấy tiếng gọi từ đâu đó cất lên của chị Thủy: “Tôi quay phắt lại, nước mắt bắt đầu dâng ngập lên, mờ đi, nhòa đi. Lâu lắm rồi tôi mới nghe thấy tiếng gọi thanh thanh nhẹ bẫng vừa vui vẻ linh lợi, vừa tha thiết thương yêu ấy” (Vạn năm triệu năm). Đó có thể là lúc chợt buồn khi nghĩ đến cái chết hay nghĩ đến ngày mẹ không còn nữa: “Ôi chao, tự dưng một cơn buồn bã kinh khủng ùa tới. Buồn chứ không phải sợ hãi. Và nước mắt cứ thế chảy ra. Rồi mẹ sẽ như bà lão hàng xóm kia, một ngày nào đó mẹ cũng sẽ lặng lẽ ra đi. Tôi thậm chí khóc thành tiếng…(Chết chỉ là một cuộc rong chơi). Giọt nước mắt của cô bé Thúy có khi rơi xuống vì quả trứng con gà rừng không bao giờ nở được: “Tôi cầm quả trứng còn nóng hổi hơi gà mẹ trong tay, nước mắt tự dưng chảy ra. Tôi khóc, vì thương quả trứng. Không, là vì thương con gà. Con gà rừng trong mơ của tôi sẽ không bao giờ chào đời” (Tôi ngồi bên mẹ trong đêm lạnh buốt). Và rồi nước mắt còn rơi xuống nhiều hơn nữa khi con rắn hổ mang đã cắn chết rất nhiều gà của nhà nuôi, trong đó có cả con gà trống đẹp nhất, con gà trống mà mẹ sẽ dự định bán đi để có tiền mua áo bông mới cho Thúy diện Tết: “Mẹ tôi ngồi phệt ở đầu hè.
Thôi, thế là xong. Bao nhiêu công chăm bẵm đi tong. Tôi ngồi xuống cạnh mẹ, tựa vào sườn mẹ. Tự dưng nước mắt chảy ra. Tôi không thấy tiếc cái áo chần bông nữa, mà tôi thương mấy con gà. Tôi muốn nói với bọn nó: Nếu chúng mày không chết, thì thôi, ở lại với tao. Tao không cần áo diện Tết nữa…” Những trang văn của Đỗ Bích Thúy đã thực sự chinh phục người đọc bằng những câu chuyện rất thật, rất đời như vậy.
3. Tiếp tục theo bước chân của Đỗ Bích Thúy, từ núi cao về với phố phường Hà Nội, người đọc được sẻ chia thêm nhiều cung bậc cảm xúc khác biệt nữa của một giai đoạn trưởng thành trong đời người. Không còn là một cô bé Thúy của thời phổ thông cắp sách đến trường nữa, mà bây giờ là 9 lần chuyển nhà qua 6 quận nội thành ngoại thành, là những lúc tuyệt vọng buồn thương, đau đớn cô đơn có khi kiệt sức. Nhưng rồi lại đứng dậy mà bước tiếp bởi “cảm thấy trên đời này đang còn có những người rất cần mình”, đứng dậy bởi luôn có những bàn tay bè bạn chìa ra cho Thúy nắm lấy, và cần sống tiếp cho mạnh mẽ vì những đứa con. Thúy tự nhủ mình phải như một cái cây to, an yên, vững chãi và khỏe khoắn. Sự đa cảm của một người mẹ viết văn dường như đã truyền sang cô con gái một cách tự nhiên: “Con không ăn nữa đâu. Từ nay con sẽ ăn rất ít. Tại sao chứ? Con không muốn lớn đâu. Khi con lớn thì mẹ sẽ già đi. Mẹ già thì mẹ sẽ chết. Con buồn lắm. Nói xong thì nước mắt đã chảy ra lã chã” (Tấm áo của mùa đông năm ngoái).
Đỗ Bích Thúy quý trọng tình bạn. Khi còn ở vùng núi quê nhà, ngoài những người bạn học thì bạn thân của Thúy còn là chú chó Dingo. Dingo cùng Thúy đi rừng đào măng, kéo giỏ cho Thúy. Dingo tiễn Thúy đi học, lại đứng bên cầu chờ Thúy về mỗi ngày. Buổi sáng dậy cùng nhau, Thúy ra máng nước đánh răng Dingo đi theo, vào bếp rang cơm thì nó cũng vào bếp, tối đi ngủ cách nhau một vách tường đất, bao giờ Thúy cũng chúc Dingo ngủ ngon. Sau này về với phố phường, Thúy có những người bạn ân tình sâu nặng, những người bạn mà Thúy trọng như những người thày. Có phải vì thế mà phần hai của cuốn tản văn được đặt một nhan đề riêng: Bạn bè là những người thày, ở đó hiện lên những chân dung cụ thể, những con người cụ thể đã gắn bó với Thúy suốt bao tháng năm qua, tiếp thêm niềm tin yêu hy vọng, nghị lực và ước mơ cho Thúy.
Thúy nói với tôi, cuốn sách này được viết ra với xuất phát điểm là những câu chuyện rất riêng của cá nhân, trước tiên là viết cho mình mà thôi. Thế nhưng khi đọc xong, tôi đã nói với Thúy rằng, chính là khi đi đến tận cùng cái riêng, ta lại chạm vào cái chung của tất thảy mọi người. Tôi tin rằng những trang văn của Thúy sẽ chạm vào trái tim của tất cả những độc giả yêu mến cái đẹp, bởi những điều Thúy viết ra được bắt nguồn từ thẳm sâu một niềm yêu sống, một lòng biết ơn cuộc đời. Những trang văn không chỉ có niềm vui rạng rỡ mà đôi khi có cả những vũng lầy, những bất trắc khốn khổ, những cay đắng gục ngã đớn đau. Thế nhưng sau hết thì con người vẫn đứng lên mà bước tiếp. Cái đẹp trong văn của Đỗ Bích Thúy, như những trang sách cuối cùng khép lại, đó là “đẹp tới lụi tàn”, là một thứ mỹ cảm sẽ con xuyên chảy mãi trong tâm hồn mỗi chúng ta.