Khám chữa bệnh BHYT bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh: Không nên lạm dụng
Để tạo điều kiện cho trẻ em khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (KCB BHYT), Nhà nước có chính sách thông thoáng, trong đó quy định có thể trình giấy khai sinh, giấy chứng sinh để hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên hiện nay ở nhiều địa phương lạm dụng quy định này...
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em KCB BHYT, Nhà nước có chính sách thông thoáng, trong đó quy định có thể trình giấy khai sinh, giấy chứng sinh để hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi KCB bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 2, Điều 8, Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế- Tài chính, đó là trong trường hợp không xuất trình thẻ BHYT, nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh để được hưởng quyền lợi BHYT. Cụ thể: Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, khi đến cơ sở KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Nếu chưa có thẻ BHYT, thì cần xuất trình giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh, mà chưa có giấy chứng sinh, thì thủ trưởng cơ sở KCB và cha (mẹ) hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để thanh toán với cơ quan BHXH. Tuy nhiên theo BHXH Việt Nam, tại một số địa phương, vẫn còn phổ biến tình trạng trẻ em dù đã được cấp thẻ BHYT, nhưng vẫn được phụ huynh đưa đi KCB bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi là chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện để mọi trẻ em được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Do đó việc cấp thẻ BHYT khá thuận lợi và thực hiện song hành cùng với đăng ký giấy khai sinh cho trẻ khi vừa mới sinh. Tuy nhiên dù đã sở hữu thẻ BHYT nhưng tại một số địa phương, vẫn còn phổ biến tình trạng trẻ em dù đã được cấp thẻ BHYT, nhưng phụ huynh vẫn đưa đi KCB bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh, gây nên nhiều rắc rối.
Tại tỉnh Bến Tre, trẻ em dưới 6 tuổi đã được UBND các xã, phường rà soát đề nghị cấp thẻ BHYT tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, hàng năm, trên địa bàn tỉnhsố trẻ em KCB không bằng thẻ BHYT lên tới hơn 22.000 lượt. Lý do theo BHXH tỉnh Bến Tre khi đi KCB bằng giấy khai sinh không bị giới hạn khám ban đầu như thẻ BHYT nên nhiều bố mẹ dù con đã có thẻ BHYT nhưng vẫn không khám bằng thẻ mà khám bằng giấy khai sinh.
Tương tự tại Cà Mau, theo thống kê trong hai năm 2016-2017, số trẻ em dưới 6 tuổi đi KCB BHYT bằng giấy khai sinh, chứng sinh rất lớn, với khoảng 112.000 lượt. Trong đó, nhiều trường hợp chậm làm thủ tục cấp thẻ BHYT hoặc có thẻ BHYT nhưng không xuất trình khi KCB. Tình trạng này đã dẫn đến hàng loạt khó khăn, như: Khó quản lý KCB BHYT bằng mã số BHXH; không có mã số BHXH nên không kết nối liên thông được với Hệ thống thông tin giám định BHYT; không kiểm tra được việc thông tuyến KCB BHYT, ảnh hưởng đến tỉ lệ bao phủ, số thu BHYT của tỉnh, dẫn đến vượt quỹ KCB BHYT…
Trước tình trạng trên, ông Huỳnh Kim Quân- Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre cho rằng, để hạn chế việc KCB BHYT bằng giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh, Nhà nước cần quy định cụ thể thời điểm có thể sử dụng giấy chứng sinh, giấy khai sinh đối với trẻ em trong KCB BHYT. Qua đó, để thân nhân của trẻ có trách nhiệm trong KCB BHYT cũng như đề cao trách nhiệm của UBND địa phương trong việc rà soát, cấp thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này.