Ngăn chặn bạo lực học đường
Nhận định tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, xuất hiện thêm nhiều vụ việc phức tạp, tại hội thảo về vấn đề chống bạo lực học đường do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, ông Dương Văn Bá- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, đã nhấn mạnh: Các cơ sở giáo dục cần nắm sát tình hình để chủ động trong công tác phòng chống bạo lực học đường.
Tuy nhiên, theo ông Bá, khảo sát thực tế cho thấy các cơ sở giáo dục cũng chưa nắm sát về số liệu, tình hình bạo lực học đường. Đơn cử như năm học 2017-2018, báo cáo của ngành giáo dục và đào tạo cả nước gửi về Bộ GDĐT, bạo lực học đường xảy ra khoảng vài trăm vụ. Nhưng theo thống kê của ngành công an, số vụ liên quan đến bạo lực học đường là hơn 2.000 vụ, trong đó hơn 53% số vụ bạo lưc xảy ra trong môi trường học đường.
Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ: Những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là về tinh thần, ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Khi xảy ra các vụ bạo lực học đường, nhiều người đổ lỗi cho nhà trường. Thật ra, đây là vấn đề của toàn xã hội chứ không chỉ nhà trường.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội dường như chưa quan tâm nhiều đến những chấn thương tâm lý. Những học sinh bị đánh dễ bị trầm cảm, tự ti, nhút nhát. Kẻ đánh người, nhân cách dễ bị biến chất, lớn lên sẽ là người hay gây sự , gây bạo lực gia đình, xã hội. Theo ông Lâm, những nghiên cứu về mặt tâm lý cho thấy, những triệu chứng như hung hãn, những rối loạn về hành vi, thậm chí những hành vi biến thái đều có nguy cơ xuất phát bởi những rối nhiễu từ trong giai đoạn đứa trẻ còn nhỏ ở trong gia đình…
Ở khía cạnh khác, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh- Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt (IEDV) nhận định: Bạo lực học đường bùng phát nhiều nhất ở giai đoạn cuối THCS và đầu THPT - lứa tuổi mà học sinh đang ở giai đoạn dậy thì rất mạnh. Lượng hoóc-môn trong cơ thể tăng cao khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái quá hưng phấn, dễ bị kích động, khả năng tiết chế cảm xúc kém. Vì thế, đôi khi chỉ một xích mích nhỏ hoặc bị bạn xấu “khích” là “máu anh hùng” nổi lên.
Bạo lực trong trường học, câu chuyện không mới, nhưng lại luôn là vấn đề nóng đối với xã hội. Nguyên nhân được phân tích mổ xẻ và những giải pháp ngăn chặn đã được đề ra không ít nhưng bạo lực học đường vẫn còn nhức nhối và lời giải cho bài toán khó này xem ra vẫn còn hết sức khó khăn. Không phải đứa trẻ nào cũng có đủ vốn sống, sự mạnh mẽ để giải quyết tất cả mọi khúc mắc trong quá trình học tập và quan hệ trong xã hội. Vì vậy, để chấm dứt bạo lực học đường cần sự vào cuộc của cả xã hội.