Học tiếng Anh trong trường cao đẳng: Yêu cầu cao về đào tạo nghề
Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong đào tạo cao đẳng (CĐ) là đề xuất được Bộ LĐTBXH vừa đưa ra để lấy ý kiến. Theo đó, sau khi học xong môn học này, người học cần phải đạt được trình độ năng lực ngoại ngữ Bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Học tiếng Anh là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Yêu cầu về năng lực ngoại ngữ
Dự thảo Thông tư quy định tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình CĐ đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến đến ngày 2/12/2018. Môn học này trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh cơ bản trong đời sống, học tập và hoạt động nghề nghiệp sau này. Sau khi học xong, người học đạt được trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể:
Về kiến thức, người kết thúc chương trình có thể sử dụng được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu.
Về kỹ năng, với kỹ năng nghe, người học nghe và xác định các thông tin liên quan đến thành viên gia đình; các hoạt động giải trí trong thời gian rảnh; vị trí đồ đạc trong nhà; các loại thức ăn và đồ uống phổ biến; các hoạt động trong các dịp lễ hoặc sự kiện đặc biệt; du lịch; các hoạt động hằng ngày; sở thích; kế hoạch trong tương lai; ngoại hình, tính cách và mua sắm.
Với kỹ năng nói, người học tự giới thiệu bản thân, gia đình, nghề nghiệp; trình bày sở thích; chỉ đường đến những địa điểm thông thường; đặt câu hỏi về số lượng; trình bày về những ngày lễ hoặc sự kiện đặc biệt; du lịch các hoạt động hằng ngày và các sở thích; các kế hoạch cho các ngày lễ và sự kiện đặc biệt; mô tả tính cách và ngoại hình của bản thân và người khác; giới thiệu các sản phẩm công nghệ và công dụng; mô tả thói quen mua sắm. Còn với kỹ năng đọc, người học hiểu đại ý và thông tin chi tiết thông qua các bài đọc có liên quan đến các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, nơi chốn, các món ăn và thức uống phổ biến, các ngày lễ đặc biệt và kỳ nghỉ, các hoạt động hằng ngày và các sở thích, cách chào đón năm mới ở các quốc gia, sự phát triển của công nghệ và thói quen mua sắm…
Quan tâm đến tiếng Anh chuyên ngành
Theo dự thảo, nội dung môn học gồm 12 bài học, mỗi bài 8 giờ học, gồm 4 giờ học lý thuyết và 4 giờ học thực hành. Bên cạnh đó, còn có 8 giờ ôn tập và kiểm tra, gồm 3 giờ lý thuyết, 3 giờ thực hành và 2 giờ kiểm tra. Người học đã đạt năng lực ngoại ngữ Bậc 2 trở lên theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng Anh tương đương A2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu do các tổ chức nước ngoài cấp sẽ được miễn trừ học môn này.
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, đề xuất này của Bộ LĐTBXH là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập. Trên thực tế, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếng Anh là một môn học bắt buộc đã được giảng dạy từ lớp 3 cho đến hết lớp 12. Tầm quan trọng của tiếng Anh đã được chứng minh trong thực tế khi cơ hội để tìm được một công việc chất lượng cao, đãi ngộ tốt thuận lợi hơn một người không có năng lực ngoại ngữ. Đặc biệt, trong thời đại hội nhập với thế giới, nhiều cơ hội xuất khẩu lao động với những người thợ có trình độ tay nghề cao, thành thạo ngoại ngữ.
Trước đó, dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến đề xuất: Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam tạo nền tảng cho học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.
“Một số ý kiến lo ngại về yêu cầu của Bộ LĐTBXH là quá cao so với trình độ của học viên CĐ là không hợp lý. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu này, bản thân các trường cần đưa ra kế hoạch giảng dạy phù hợp. Trong đó, nhấn mạnh đến tiếng Anh chuyên ngành để ứng dụng trong công việc sau này” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.