Quy hoạch đào tạo sư phạm: Không thể nói suông!
Thừa - thiếu giáo viên (GV) cục bộ không phải là câu chuyện mới, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm, thì đây sẽ là chuyện dài kỳ của ngành giáo dục.
Thời điểm này, năm học 2018- 2019 đã đi được một nửa học kỳ 1, các trường phổ thông đã và đang tổ chức cho học sinh thi giữa kỳ. Như vậy chỉ còn một kỳ học rưỡi nữa là lại kết thúc năm học. Vậy có giải pháp nào để lấp khoảng trống thiếu 75.989 GV các cấp học của cả nước ngay ở năm học sau?
Trách nhiệm chung khó giải quyết?
Tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, một trong những vấn đề của ngành giáo dục được cử tri đặc biệt quan tâm là câu chuyện thừa- thiếu GV sẽ được giải quyết ra sao? Trong khi theo Bộ GDĐT, số lượng GV thiếu tập trung chủ yếu ở bậc mầm non: thiếu 43.732 người; tiểu học thiếu 18.953 người; THCS thiếu 10.143 người; THPT thiếu 3.161 người. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, việc giải quyết tình trạng thừa- thiếu GV, một mình Bộ khó có thể làm nổi do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục thuộc UBND các cấp và ngành nội vụ.
Nguyên nhân của tình trạng thừa thiếu GV kéo dài suốt thời gian qua, cũng như những bất cập trong việc tuyển dụng biên chế ngành giáo dục đã được chỉ ra. Nhưng để giải quyết dứt điểm những tồn tại này, vẫn là một bài toán khó. Trước tình trạng thừa, thiếu GV gây bức xúc tại nhiều địa phương, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì (Bộ GDĐT, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp) khẩn trương rà soát và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế GV, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế.
Phía Bộ GDĐT cho biết hiện đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức GV, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp... theo quy định của Luật Viên chức. Bộ này cũng đề nghị các địa phương tăng cường vai trò của cơ quan chuyên môn cấp sở, phòng giáo dục và đào tạo trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo.
Chú trọng quy hoạch đào tạo
Trong số những giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập trong thừa- thiếu GV được Bộ GDĐT đưa ra, có công việc tiếp tục công tác rà soát, dự báo nhu cầu GV, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, công bố chuẩn nghề nghiệp GV, ban hành kế hoạch bồi dưỡng GV, dồn điểm trường lẻ về trung tâm…
Dẫu thế, bước vào kỳ tuyển sinh năm 2018-2019 vừa rồi cho dù Bộ GDĐT đã có động thái kiểm soát chặt chẽ hơn chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo GV nhưng tình trạng hàng loạt các trường sư phạm “trắng” thí sinh, liên tục xét tuyển bổ sung; các ngành sư phạm tuyển sinh chất lượng cao cũng chỉ một vài sinh viên “mặn mà”... khiến nhiều trường rơi vào cảnh khó khăn.
Thống kê từ Bộ GDĐT, hiện nay, cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo GV. Trong đó, có 14 trường ĐH sư phạm, 40 trường CĐ sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Theo ông Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Năm 2017, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có những thống kê cơ bản về nhu cầu đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Đáng lưu ý là số lượng cần nhiều nhất là GV mầm non vì nhu cầu chăm sóc trẻ ngày càng cao của cả hệ thống công lập và tư thục.
Ông Minh cho rằng: Với số lượng các cơ sở đào tạo như hiện nay, các trường sẽ xác định một số lượng chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn và nếu thiếu kiểm soát sẽ tạo ra sự dư thừa nhân lực, hệ quả của nó không chỉ gây lãng phí về tài chính mà đáng lo ngại hơn là các vấn đề xã hội. Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo của các trường cũng không đồng nhất, trong khi muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy.
Do đó, việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo GV là việc làm cấp bách, càng sớm càng tốt, chứ không thể nói suông!