Nỗ lực cải thiện tầm vóc người Việt
25 năm qua (1993-2018) chiều cao của người Việt tăng 3 cm và hiện đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ. Tuy nhiên, chiều cao này khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.
Học sinh THPT tại Hà Nội vận động thể thao ngoài trời.
10 năm chỉ cao thêm 1cm
Thống kê cho thấy, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164,4 cm, thua 8 cm so với Nhật Bản và 10 cm so với Hàn Quốc, ở nữ là 153,4 cm, thấp hơn chuẩn chung trên 10 cm. Trong 30 năm qua, người Việt Nam có cao lên nhưng không nhanh, 10 năm chỉ cao thêm được 1 cm.
GS.TS Lê Danh Tuyên- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Hiện tại, chiều cao chúng ta ngang với Philippines và Indonesia, thấp hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Tuy vậy, mức tăng chiều cao 3 cm là tương đối dài. Từ năm 1875 đến 1975, do chiến tranh nên chiều cao tất cả các nước như nước ta đều không tăng. Từ năm 1975 đến 2000, chiều cao nước ta tăng chậm nhưng từ năm 2000 đến năm 2010, chúng ta tăng nhanh lên 2,2 cm, tương đương với Nhật Bản ở thời kỳ hưng thịnh nhất”.
Được biết, 50% nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt còn hạn chế chính là do chế độ dinh dưỡng và quá trình rèn luyện thể lực chưa đạt yêu cầu và hiệu quả. Ông Trần Quang Vinh- Ban Điều phối Đề án Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam cho hay, nhận thức về việc tập luyện thể dục thể thao ở nước ta chưa thật sự tốt. Vấn đề thể lực có rất nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng là tạo thành thói quen để thành nhu cầu hàng ngày. Để hình thành thói quen đó thì phải hình thành từ nhỏ. Hiện nay trong hệ thống nhà trường, giáo dục thể chất cần phải đẩy mạnh vì giờ tập thể dục rất ít, chấm điểm môn thể dục mang tính Đạt hay Không đạt thì không có tính khuyến khích trẻ từ nhỏ thì không có thói quen tập luyện.
Lo ngại béo phì
Lười vận động được biết đến là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh như stress, nhức mỏi xương khớp, béo phì… Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, người lười vận động dần dần sẽ hình thành thói quen lười biếng, thụ động rất nguy hiểm. Béo phì đang dần trở thành nỗi ám ảnh, gánh nặng đối với các bậc phụ huynh và chính bản thân con trẻ.
Trẻ được xem là béo phì, hay nặng cân quá khi có trọng lượng cơ thể hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên. Nếu con số đấy vượt quá 40% thì bạn nên đưa con đi kiểm tra xem bé có bị béo phì hay không? Hoặc cha mẹ nên quan sát xem con mình có những cuốn mỡ ngấn lên thì khả năng đứa trẻ là béo phì. Chứng béo phì không do bất cứ đặc tính gia đình hay bệnh hormon nào. Chủ yếu là do những thói quen không tốt về mặt ăn uống, thường được cho ăn nhiều quá.
BS Trần Khánh Vân- Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, hiện nay, tỉ lệ trẻ nhẹ cân, thấp còi ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM hiện rất thấp, chỉ dưới 5%, trong khi đó tình trạng thừa cân, béo phì đang ở mức báo động”- BS Vân cho biết.
Một điều tra của Viện Dinh dưỡng về hoạt động thể lực của trẻ em trong 3 ngày (có cả ngày đi học bình thường, ngày ở nhà, bằng việc đeo máy đo bước chân) cho thấy hoạt động thể lực của các em chỉ ở mức trung bình. Ngoài ra, nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, trung bình, ngủ dưới 8 tiếng ngày sẽ có nguy cơ gây thừa cân, béo phì gần gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nặng, ngủ đủ, ngồi màn hình máy tính ít hơn. Để phòng, chống béo phì ở trẻ, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tạo thói quen vận động cho trẻ, hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với điện thoại, máy tính...
* Hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” (diễn ra từ ngày 16 đến 23/10) trên toàn quốc với thông điệp: “Thực hiện dinh dưỡng ngay hôm nay giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống ngày mai”. Tại Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”, Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông tập trung nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương; tổ chức bữa ăn gia đình bảo đảm đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống suy dinh dưỡng, chống thừa cân, béo phì.