Không gian sáng tạo: Chưa hết tiềm năng
Hà Nội đang chứng kiến sự “bùng nổ”không chỉ về mặt số lượng các không gian sáng tạo (KGST) mà còn đa dạng trong cách thức tổ chức, phong phú về mô hình hoạt động. Tuy nhiên, loại hình hoạt động này vẫn còn có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của văn hoá và nhu cầu giải trí của công chúng Thủ đô.
Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội là một trong những không gian sáng tạo hoạt động khá hiệu quả. Ảnh: Quang Vinh.
Khó khăn trong cấp phép
Theo số liệu thông kê, Hà Nội hiện có 60 KGST, trong đó có 42 không gian văn hóa, nghệ thuật (VHNT). Có thể kể đến như Heritage Space (Trần Bình), Manzi (14 Phan Huy Ích), Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), Cà phê thứ Bảy (3A Ngô Quyền)… Những KGST đang hình thành, duy trì và phát triển như những không gian của sự kết nối, không gian của tự do sáng tạo, tự do học thuật, nơi của những cuộc trao đổi xoay quanh các câu chuyện về văn hóa, nghệ thuật…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các KGST tại Hà Nội đều là của các cá nhân và doanh nghiệp. Từ đó dẫn tới cách thức, quy mô hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tài chính và uy tín chuyên môn của chủ địa điểm tổ chức. Dẫn đến có những không gian mở ra nhưng nhanh chóng khép lại sau nhiều chật vật, khó khăn xoay sở để tồn tại. Cùng với đó, một trở ngại lớn cho nhiều không gian chính là khâu kiểm duyệt, giấy phép tổ chức sự kiện bởi chưa có sự nhất quán từ chính quyền.
Mới đây tại hội thảo “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức những băn khoăn này một lần nữa lại được các chuyên gia đưa ra cùng bàn thảo phân tích.
Theo nhiều ý kiến tại đây thì trong khi các không gian làm việc chung, công nghệ thông tin không coi việc kiểm duyệt hay giấy phép là thách thức thì các KGST phải vật lộn và lo lắng về quy trình xin giấy phép tổ chức sự kiện. Các vấn đề liên quan như thời gian xin giấy phép, tính chất “nhạy cảm” của tác phẩm nghệ thuật… Nhiều chủ không gian cho biết họ thường “đoán” cái gì được cấp phép, cái gì không được trước khi tiến hành đăng ký xin phép. Thói quen này thường được gọi là “tự kiểm duyệt”…
Hiện nay các KGST vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam nên không có một tư cách pháp nhân cụ thể nào cho các không gian này. Nhiều không gian đã phải vất vả để hoàn thành cả sứ mạng kinh doanh và sứ mạng cộng đồng, và họ thường có các danh xưng khá nhau để phù hợp với vai trò khác nhau tùy vào bối cảnh.
“Cởi trói” nghệ thuật
Thực tế, ngay những nhà quản lý cũng đang phải loay hoay tìm phương án cân đối. Khi hiện nay một số KGST của cá nhân nằm xen lẫn trong khu dân cư nên việc giám sát, kiểm tra cũng đang tạo nên nhiều trở ngại. Đặc biệt, một số không gian đã vi phạm đến những vấn đề liên quan đến nội dung hoạt động biểu diễn tập chung đông người, tiếng ồn lớn, trang phục, hóa trang của nghệ sĩ, diễn viên không phù hợp…
Cùng với đó, việc quản lý hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang không bán vé thu tiền tại các những không gian đang nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Bởi theo quy định thì có nội dung được cấp phép, những có nội dung không phải cấp phép và thậm định chương trình. Dẫn tới nhiều chủ địa điểm chạy theo lợi nhuận đã vi phạm các quy định về hoạt động biểu diễn, văn hóa nơi công cộng.
Để tháo gỡ những mâu thuẫn này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Việc làm đầu tiên giúp các không gian VHNT không bị “lạc lõng” trong sự đồng hành phát triển chung đó là phải hoàn thiện hệ thống chính sách. Chúng ta không thể ứng xử với các không gian VHNT như các doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng các không gian VHNT có thể áp dụng để tái sinh, tạo sự hấp dẫn cho các khu vực vốn gây ô nhiễm trước kia của Hà Nội. Như các khu vực dọc đường Nguyễn Trãi với các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá nếu có thể biến thành các không gian VHNT cho khu vực này vốn đang có nhiều nhà cao tầng trở nên đáng sống hơn. Việc bố trí các khu vui chơi, dành cho các hoạt động sáng tạo của cộng đồng, nên được xem xét một khi tiến hành quy hoạch, xây dựng bất kỳ một khu vực đô thị nào.
Thực tế, hiện nay Hà Nội đang sở hữu một không gian sáng tạo lớn. Đơn cử như phố đi bộ Hồ Gươm, phố sách 19/12, Hoàng thành Thăng Long, Công viên Thống Nhất… Điều cần nhất hiện nay là tạo chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người làm nghề sáng tạo có cơ hội khai thác các tiện ích này thường xuyên và liên tục nhằm tạo ra không khí văn học nghệ thuật bao trùm thành phố.
Mà theo ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club), ở đó chính quyền phải trở thành “bà đỡ”. Nhưng vai trò “bà đỡ” không có nghĩa phải đầu tư tài chính cho các KGST, cũng không phải là các cơ chế ưu đãi cho ngành này, mà là sự cởi mở với các ý tưởng mới, là bao dung, khuyến khích sáng tác và đầu tư phát triển nguồn nhân lực.