Đừng bịa nhân vật vào chính sử

Từ Khôi 15/10/2018 09:32

Trong sáng tạo nghệ thuật, việc hư cấu, hay nói nôm na là “bịa” ra nhân vật lịch sử, tình tiết lịch sử là điều được người xem có thể chấp thuận. Thế nhưng, “bịa” ra nhân vật lịch sử là điều không thể chấp nhận được khi nhà viết sử đưa vào chính sử. Vậy mà, cuốn “Lịch sử Việt Nam phổ thông tập 3” do Viện Sử học soạn lại vấp phải đáng tiếc này.

Đừng bịa nhân vật vào chính sử

Bìa cuốn sách.

Cuốn “Lịch sử Việt Nam phổ thông tập 3” do PGS.TS Nguyễn Minh Tường chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2018 đã gây tranh cãi. Trong nội bộ dòng họ Trần, nhất là chi phái họ Trần Nguyễn Hãn phản ứng rất dữ dội. Nhiều đơn thư được gửi đến các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng.

Một chi tiết gây phản ứng của cuốn sách là khi viết về Thái sư Trần Thủ Độ. Trang 194 có đoạn viết: “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Tổ tiên của ông làm nghề chài lưới ở vùng Đông Triều, Quảng Ninh, sau chuyển tới Tức Mặc (Nam Định), rồi định cư tại vùng đất Bát Xá – Tam Nông bên dòng sông Luộc. Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên tổ nhà Trần là Trần Lý thì họ Trần trở nên giàu có…”.

Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát- nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách chính trị Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Trưởng ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam bày tỏ: “Trong các sách chính sử xưa không hề chép rõ Trần Thủ Độ sinh ra ở Bến Trấn, xã Thái Phương. Viết như thế là “ngầm” gán và mưu đồ cho một việc khác là xây dựng đền thờ bố Trần Thủ Độ ở Phương La, xã Thái Phương”.

Còn với chi tiết thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị, Đại tá Trần Nguyên Trung- nguyên Tổng biên tập tạp chí Hậu cần Quân đội nói: “Các cuốn sử đều chỉ ghi Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với bác là Trần Lý, được Trần Lý coi như con. Còn các tài liệu xưa đều không ghi có đền thờ nào thờ Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương”.

Nhiều người thắc mắc: Vậy thì căn cứ vào đâu để người ta dựng đền thờ bố Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị tại Phương La, xã Thái Phương, rồi tự phong đó là “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”? Hóa ra, câu chuyện bắt đầu từ năm 1995, tại hội thảo: “Trần Thủ Độ - con người thời Trần” do Viện Sử học và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức đã xuất hiện tham luận của ông Dương Quảng Châu, công bố thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị đại vương.

Ông Châu không căn cứ vào chính sử mà dựa vào điền dã. Nhưng tài liệu văn bia, hay sắc phong, thần tích như thế nào thì không rõ. Ông Châu cho rằng: Trần Hấp là bố đẻ Trần Hoằng Nghị “Trần Hấp sinh ra hai người con trai là Trần Lý và Trần Hoằng Nghị. Trần Hoằng Nghị lại sinh ra 3 người con trai là Trần An Quốc, Trần An Hạ và Trần Thủ Độ…”.

Thế nhưng, thật nực cười là 9 năm sau (2004), trong bài “Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần”, ông Châu lại đưa ra thông tin khác hẳn: Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả (tức Trần Thủ Độ). Thật là vô lý, lúc thì tác giả cho rằng, Trần Hấp là cha ruột của Trần Thủ Độ, khi thì lại nói là anh trai Trần Thủ Độ.

Tưởng rằng chuyện nghiên cứu chỉ dừng ở nghiên cứu, ai dè, người ta lại xây dựng (tất nhiên là xã hội hóa) đền thờ “nhân vật lịch sử bịa”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải – tác giả của 2 bộ tiểu thuyết đồ sộ về triều Lý, triều Trần nói: “Trong lịch sử xưa nay, không nhà viết sử nào dám làm việc táo tợn như PGS.TS Nguyễn Minh Tường. Giả sử có căn cứ nào đó mới tìm được thì cũng chỉ nên ghi ở phụ lục cuối sách để người khác tìm hiểu thêm”.

Cuối tháng 9/2018, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi NXB Chính trị Quốc gia Sự thật chỉ đạo dừng phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông để rà soát, chỉnh sửa, đảm bảo tính chính xác của các dữ liệu lịch sử.

Từ Khôi