Sơn Tịnh: Tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch tay chân miệng
Sáng ngày 15/10, đoàn công tác của Sở y tế tỉnh Quảng Ngãi do ông Phạm Minh Đức – Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh dẫn đầu đã về làm việc tại huyện Sơn Tịnh để kiểm tra tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn huyện từ đầu năm 2018 đến nay. Dự buổi làm việc có ông Lữ Xuân Ánh – Phó Chủ tịch UBND huyện.
Quang cảnh buổi làm việc.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã có 115 ca bệnh tay chân miệng, số trẻ mắc bệnh chủ yếu từ 1 đến 3 tuổi ở 11 xã và hiện chưa có chiều hướng giảm gồm: xã Tịnh Giang 5 ca, Tịnh Đông 10 ca, Tịnh Bắc 4 ca, Tịnh Minh 1 ca, Tịnh Sơn 8 ca, Tịnh Hà 24 ca, Tịnh Hiệp 7 ca, Tịnh Bình 13 ca, Tịnh Phong 11 ca, Tịnh Trà 3 ca, Tịnh Thọ 27 ca.
Trong đó, trong 2 tháng 9 và 10 có số ca bệnh mắc nhiều nhất. Dự đoán bệnh có thể tăng nhiều trong những tháng đến, có nguy cơ dịch xảy ra trên diện rộng. Qua giám sát ca bệnh và điều trị dịch tễ học, hầu hết các trường hợp mắc bệnh này xảy ra tại các xã khó khăn về kinh tế, có môi trường vệ sinh kém, ý thức phòng bệnh của người dân thấp.
Tại bệnh viện đa khoa huyện Sơn Tịnh, đến nay đã khám 233 ca bệnh tay chân miệng, đã tiến hành điều trị cho 128 ca. Trong đó, tại khoa nhi đã điều trị trong tháng 1 có 4 ca, tháng 2 có 2 ca, tháng 3 có 3 ca, tháng 4 có 4 ca, tháng 6 có 5 ca, tháng 7 có 5 ca, tháng 8 có 22 ca, tháng 9 có 47 ca, từ đầu tháng 10 đến nay có 33 ca. Trong đó, đã chuyển viện lên bệnh viện sản nhi tỉnh gần 20 trường hợp.
Đến nay, huyện Sơn Tịnh đã tổ chức củng cố và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm. Sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch tay chân miệng. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, kinh phí, thuốc men, hóa chất, môi trường sinh phẩm và máy phun phục vụ cho công tác xử lý dịch.
Phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm y tế huyện và Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh trong việc giám sát ca bệnh và giám sát huyết thanh, bệnh phẩm đầy đủ, chính xác khi có chỉ định. Tổ chức giám sát đồng bộ các ca bệnh tại cộng đồng. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức về bệnh tay chân miệng và cách phòng chống cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức xử lý môi trường bằng hóa chất cloramin B phun 1 tuần 2 lần tại các cơ sở bệnh viện, phòng khám khu vực, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non khi có ca bệnh tay chân miệng mắc cao và các ổ dịch lớn, và chấm dứt sau 10 ngày không có ca bệnh
Tại buổi làm việc, huyện Sơn Tịnh đã đề nghị Sở y tế tỉnh cử các bác sĩ chuyên gia ở tỉnh tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y tế tuyến huyện và tuyến cơ sở; hỗ trợ thêm hóa chất cloramim B để đảm bảo phun tiêu độc khử trùng trong những tháng cuối năm 2018; đề nghị hỗ trợ kinh phí cho trung tâm y tế huyện về mua sắm phương tiện truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền tại xã.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Đức – Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của huyện Sơn Tịnh trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, trong đó có công tác tuyên truyền đến tận trường học. Đồng thời đề nghị trong thời gian đến, huyện cần dự trù đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư cho công tác phòng chống dịch bệnh. Quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực vệ sinh môi trường liên quan đến rác thải, vệ sinh cá nhân liên quan đến chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Minh Đức cũng đề nghị huyện cần chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn huyện tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch; đề nghị trung tâm y tế huyện chỉ đạo trạm y tế xã thường xuyên cử cán bộ theo dõi hệ thống thông tin và tích cực phòng chống bệnh tại cộng đồng, chủ động phát tờ rơi về phòng chống dịch đến tận người dân.
Đề nghị cung ứng đủ cơ số thuốc khử trùng cho các nhà trẻ, chỉ đạo các nhà trẻ từ chối nhận các trẻ bị bệnh sau khi ra viện 10 ngày để đảm bảo triệt tiêu mầm bệnh. Về công tác điều trị, cần xây dựng khu vực cách ly, khám và điều trị theo đúng pháp đồ quy định; chuyển tuyến kịp thời đối với các ca bệnh nặng, tránh lây chéo giữa các ca bệnh.