Giá heo thịt ngất ngưởng, nông dân băn khoăn tái đàn
Trước việc giá heo thịt tăng cao, không ít hộ nông dân có ý định tái đàn nhằm gỡ lại nguồn vốn mất mát trước đây do giá heo chạm đáy. Thế nhưng, có nên tái đàn hay không vẫn là câu hỏi lớn đối với người chăn nuôi heo.
Giá thịt heo liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Thịt heo ở chợ lẻ tăng cao
Tại TP HCM, giá thịt heo ở các chợ truyền thống, điểm bán lẻ liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. Tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Tân Định (quận 1)… giá heo tăng từ 7.000 – 10.0000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt heo ba rọi ở mức cao ngất ngưởng, 120.000 – 140.000 đồng/kg (ba rọi rút sườn); sườn non có giá “cứng” 160.000 đồng/kg; thịt đùi dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, thịt cốt lết 120.000 - 130.000 đồng/kg…Riêng mặt hàng giò lụa không hàn the cũng áp dụng giá mới, tăng 4.000 đồng và lên mức 174.000 - 250.000 đồng/kg.
Ở một số chợ đầu mối, giá thị heo mảnh loại 1 dao động 73.000 - 75.000 đồng/kg, thịt heo mảnh loại hai 70.000 - 72.000 đồng/kg. Bà Lê Thị Hà (quận 9) than thở: “Giá thịt heo liên tục tăng chóng mặt. Mỗi ngày chợ lại có mức giá mới. Trước đây mấy chục ngàn có thể mua được một ký thịt heo. Giờ 100.000 đồng chưa mua nổi. Tôi sẽ sang dùng thêm những thực phẩm có giá mềm hơn”. Lý giải nguyên nhân giá thịt heo tại các chợ truyền thống tăng cao, hầu hết tiểu thương cho rằng, giá thịt heo pha lốc, thịt heo mảnh ở các chợ đầu mối tăng, vì vậy buộc tiểu thương chợ lẻ cũng phải tăng theo.
“Thịt heo tăng giá có nhiều nguyên nhân lắm. Nào là hạn chế nhập khẩu heo ở các nước có dịch bệnh, nguồn cung trong nước khan hiếm…Thôi thì người tiêu dùng chịu đắt chút cho nông dân bớt khổ” - bà Mai Thị Hoa, tiểu thương chợ Thị Nghè chia sẻ.
Không riêng mặt hàng thịt heo trên thị trường tăng giá, Sở Tài chính TP HCM cũng đồng ý cho thịt heo tham gia chương trình bình ổn đưa giá nhích lên. Sở này cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá phù hợp với quy định của chương trình bình ổn thị trường thành phố.Theo kế hoạch, giá thịt heo bình ổn tại TPHCM được điều chỉnh tăng từ 1.000 - 7.000 đồng/kg tùy loại. Mức điều chỉnh trên được áp dụng từ đầu tuần này. Đơn cử, thịt heo ba rọi từ 115.000 đồng tăng lên 122.000 đồng/kg, thịt heo đùi từ 100.000 đồng lên 107.000 đồng/kg, cốt lết từ 92.000 đồng lên 97.000 đồng/kg, thịt nạc dăm từ 108.000 đồng lên 114.000 đồng/kg…
Băn khoăn tái đàn
Trong khi giá heo hơi tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian khá dài, nhiều hộ chăn nuôi ở các tỉnh băn khoăn về việc tái đàn. Ông Vũ Văn Tiến - chủ trang trại chăn nuôi heo huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai tâm sự: “Với giá heo hơi như hiện nay thật sự tôi rất muốn đổ vốn vào nuôi tiếp. Tuy nhiên, nghĩ thì nghĩ vậy những vẫn nhát tay”.
Ông Tiến cho biết, cuối năm 2017, trong trại của ông có 500 con heo thịt, nuôi đón thị trường Tết. Trước Tết, thương lái vào trang trại mua 80 con heo, thỏa thuận bắt trước 50 con với tổng tiền cọc 50 triệu đồng. Bắt xong 50 con, thương lái bỏ luôn 30 con còn lại vì giá xuống quá thấp. Đó là chưa kể hàng trăm con còn lại bán với giá thấp bèo. “Treo chuồng hơn nửa năm nay. Giờ rất muốn đánh liều tái đàn nhưng sợ diễn biến giá cả thị trường bất ổn thì lại đổ nợ” - ông Tiến lo lắng.
Không kém phần quan ngại về việc tái đàn, ông Nguyễn Văn Tương - chủ trang trại heo tại Định Quán, Đồng Nai khẳng định: “Nếu bây giờ lên kế hoạch tái đàn thì cuối năm sẽ thu hoạch. Thế nhưng tái đàn ở thời điểm giá heo hơi tăng cao như hiện nay thì giá con giống cũng không thấp. Trường hợp, giá thị trường ổn có lời chút đỉnh. Thị trường dao động và đi xuống chắc chắn người chăn nuôi lãnh đủ”. Ông Tương cho rằng, không phải cứ mất thì gỡ lại. Thận trọng và kỹ lưỡng tránh tình trạng heo “ăn” sổ đỏ rồi “ăn” luôn cả đất đai.
Nói về tổng đàn của thủ phủ chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho hay, năm 2015, tổng đàn heo của Đồng Nai là 1,6 triệu con, năm 2016 đạt 1,7 triệu con và đến tháng 10 năm 2017 tổng đàn heo của cả tỉnh lên đến gần 2 triệu con. Hiện tổng đàn đang ở mức 2,25 triệu con. Nguồn cung quá lớn đang gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm.
Ghi nhận thực tế cho thấy, chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai phát triển mạnh, giá trị sản xuất đạt 9.000 tỷ đồng/30.000 tỷ của ngành nông nghiệp, trong đó khoảng 40% sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, 60% cho thị trường TP HCM. Riêng việc tái đàn, nhiều ý kiến cảnh báo, người chăn nuôi thận trọng tính chuyện đầu tư mới. Muốn chăn nuôi bền vững, cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, lên kế hoạch phát triển và điều phối cung – cầu phù hợp nhất. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải sản xuất theo quy trình sản xuất khép kín tạo ra sản phẩm chất lượng, thật sự an toàn.