Chỉ số cạnh tranh trong một thế giới cạnh tranh
Nền kinh tế Mỹ đã giành ngôi vị đầu bảng trong bản nghiên cứu về tính cạnh tranh toàn cầu thường niên đầu tiên mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Bản nghiên cứu năm nay áp dụng phương thức mới trong việc xếp hạng - WEF cho hay.
Quan hệ hợp tác và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hóa.
Soán ngôi Thụy Sỹ
Ở các vị trí ngay sau Mỹ là Singapore (thứ 2), Đức (3) và Thụy Sỹ (4) - quốc gia đứng đầu bảng trong năm ngoái - và Nhật Bản (5).
WEF - nhà tổ chức Hội nghị Davos thường niên quy tụ giới chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu - nói rằng họ đã áp dụng một phương pháp đánh giá mới cho nghiên cứu tính cạnh tranh toàn cầu năm 2018, nhằm phản ánh sự thay đổi nhanh chóng đang diễn ra một thế giới công nghệ, kỹ thuật số.
Bản nghiên cứu năm nay quan sát 140 nền kinh tế trên thế giới, đánh giá các nền kinh tế này dựa trên 98 chỉ số khác nhau đối với 12 lĩnh vực quan trọng: Cơ sở hạ tầng, các thể chế, tính ổn định của kinh tế vĩ mô, tính năng động của doanh nghiệp và khả năng sáng tạo trong nền kinh tế.
Singapore đặc biệt nhận được sự quan tâm trong bản nghiên cứu năm nay, với mức điểm 83,5. Quốc gia có điểm số cao nhất dựa trên cơ sở hạ tầng giao thông, sức khỏe và tính cởi mở trong thương mại.
“Sự cởi mở chính là đặc điểm định hình của tuyến thương mại toàn cầu ở Singapore và là một trong những nhân tố chính mang lại sự thành công cho họ. Singapore dẫn đầu trong điểm số về cơ sở hạ tầng, với mức điểm gần tuyệt đối là 95,7. Singapore khiến thế giới chú ý nhờ cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ đẳng cấp thế giới và tính kết nối”- WEF cho hay.
Ở vị trí đầu bảng, Mỹ đạt được tổng điểm bình quân cao nhất là 85,6 điểm - theo WEF. “Họ vẫn là một siêu cường nếu xét về tính sáng tạo”- Saadia Zahidi, một thành viên thuộc Hội đồng điều hành WEF, cho hay - “Họ làm rất tốt xét về các thị trường lao động, về kích cỡ thị trường và các thể chế”.
Khi nhận được câu hỏi rằng có phải các chính sách kinh tế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đã giúp nước Mỹ đạt được thứ hạng số 1 hay không, ông Thiery Geiger - Giám đốc phân tích và nghiên cứu chất lượng tại WEF, nhấn mạnh rằng phần lớn dữ liệu được sử dụng trong bản nghiên cứu này lấy từ trước khi ông Trump nhậm chức.
“Lượng dữ liệu mà chúng tôi sử dụng để đưa ra bản nghiên cứu này đều là các con số dài hạn”- ông Geiger cho hay.
Theo bà Zahidi, dù ở vị trí thống trị về chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng Mỹ vẫn cho thấy nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Bà chỉ ra điểm số thấp của nền kinh tế Mỹ xét về tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động - đứng ở vị trí thứ 37 - và về tự do báo chí - ở vị trí thứ 40.
Cần đầu tư cho con người
WEF cũng nhấn mạnh về “tầm quan trọng của tính cởi mở đối với chỉ số cạnh tranh” của nền kinh tế, trong đó bao gồm áp dụng mức thuế thấp và các hàng rào phi thuế quan trong thương mại, và cởi mở trong việc thuê lao động người nước ngoài.
“Dữ liệu mà chúng tôi đưa ra cho thấy rằng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng tích cực bởi sự cởi mở và hội nhập trong kinh tế”- theo WEF.
Xét tổng quan, nước Mỹ đạt điểm số trung bình 85,6 sau khi được đo đạc gần 100 chỉ tiêu khác nhau, dựa trên thang điểm 100. Tiếp đến là Singapore và Đức. Thụy Sỹ đứng ở vị trí thứ 4 với điểm số 82,6, sau 9 năm đứng đầu trong bảng xếp hạng thường niên này.
Các quốc gia còn lại trên thế giới có mức điểm trung bình khoảng trên dưới 60 - cách xa mức điểm tiêu chí mà WEF đánh giá là đủ điều kiện để trở thành một nền kinh tế có sức cạnh tranh. Người sáng lập WEF là ông Klaus Schwab, nói rằng chính sự hiểu biết và cởi mở đối với công nghệ mới đã giúp Cách mạng công nghiệp 4.0 đóng vai trò quan trọng đối với sức cạnh tranh của một nền kinh tế.
“Tôi đã chứng kiến một sự cách biệt rõ ràng giữa những quốc gia nắm bắt được xu hướng công nghệ với những quốc gia không nắm bắt được nó”- ông Schwab nói trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, bà Zahidi nhấn mạnh rằng, “công nghệ không hẳn là viên đạn bạc” để giúp một nền kinh tế có đạt được mức cạnh tranh cao. “Các quốc gia cần phải đầu tư nhiều hơn vào con người và các thể chế điều hành, từ đó tạo điều kiện cho phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế”- bà Zahidi nhận định.