Tour du lịch giá rẻ, 0 đồng: Chấn chỉnh chứ không xóa bỏ
Trong thời gian qua, tour du lịch giá rẻ, 0 đồng đã có những tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt các tour du lịch đang dần “biến tướng” tạo nên nhiều hệ lụy cho sự phát triển chung.
Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông. Ảnh: TL.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch có buổi chia sẻ thẳng thắn với báo chí và khẳng định sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh loại hình du lịch này nhưng không xoá bỏ.
PV: Thưa ông! Trước những biến tướng của tour du lịch giá rẻ, 0 đồng, quan điểm Tổng cục Du lịch về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trước hết cần phải khẳng định không phải loại tour giá rẻ nào cũng là tour tiêu cực, mà đang có rất nhiều dạng tồn tại của loại hình tour giá rẻ. Trong đó có 2 loại tour du lịch giá rẻ “xấu”.
Thứ nhất là nhóm những tour đi ngắn ngày, sử dụng những dịch vụ chất lượng thấp nên đương nhiên nhóm này phải rẻ. Nhóm 2 là những đoàn khách đến Việt Nam đi trên những chuyến bay có các công ty lữ hành hoặc hãng hàng không bao trọn gói chuyến đi đó. Khi bán cho khách hàng không hết chỗ nhưng sắp đến ngày bay, những ghế trống còn lại sẽ được lấp đầy bằng hình thức bán vé với giá rẻ. Điều này có thể hiểu rằng, đặc điểm của ngành hàng không là không lưu trữ được, nên phải dùng giải pháp là bán rất rẻ, đôi khi chỉ bằng 0 đồng để khuyến khích khách lấp đầy chuyến bay đó. Phí chỉ thu là phí dịch vụ. Chuyện này là bình thường, không có gì xấu cả. Tuy nhiên, tour giá rẻ có những tác động xấu tới điểm đến cũng như trong công tác quản lý còn rất nhiều bất cập.
Vậy bản chất của những biến tướng này là gì, thưa ông?
- Những biến tướng này là do các công ty lữ hành nước ngoài, bán tour cho khách với giá rất rẻ, dưới giá thành của tour đã bao gồm những dịch vụ cơ bản. Sau đó, họ đưa khách tới Việt Nam, liên kết với các công ty lữ hành ở Việt Nam có vai trò tiếp tay với các công ty lữ hành để đưa khách đến các cửa hàng mua sắm. Những cửa hàng mua sắm này thường là những cửa hàng khép kín, bán hàng giả, bán hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ, bán hàng với giá cao gấp nhiều lần thị trường để lấy lại tiền họ bỏ ra chi trả dịch vụ cho khách du lịch tại điểm đến.
Trong trường hợp này, điểm đến không bị tổn thương nhiều về lợi ích kinh tế, bởi vì khách vẫn phải ăn, ngủ, đi lại và thăm quan, sử dụng dịch vụ tối thiểu mà ở đó, những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hoàn toàn được hưởng lợi. Bên cạnh đó, đôi khi họ dùng chiêu trò tạo ra tình trạng căng thẳng về tâm lý và bức xúc cho khách du lịch làm phương hại đến quyền lợi của khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn.
Chúng tôi cho rằng đây là một dạng rất tiêu cực cần có giải pháp để quản lý chặt hơn những bất cập mà loại hình này đang có. Ngoài ra, việc di chuyển bằng đường bộ cũng nảy sinh nhiều bất cập. Các công ty lữ hành của nước ngoài, thu đủ tiền tour của khách. Nhưng khi khách qua đến biên giới, họ sẽ bán lại cho các công ty lữ hành của Việt Nam với giá rất rẻ, thậm chí là bằng 0. Cá biệt có trường hợp còn chịu âm tiền. Tức là không được nhận tiền của công ty nước ngoài mà còn phải trả thêm tiền cho các công ty nước ngoài, mặc dù các công ty đó đã nhận tiền của khách rồi. Trong trường hợp này các công ty lữ hành của Việt Nam tìm mọi chiêu thức để đưa khách đến những khu sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hóa…
Như vậy, ở đây có 2 nút thắt để duy trì được các tour du lịch giá rẻ này đó là các cửa hàng khép kín, trái phép và sự tiếp tay của các công ty lữ hành và hướng dẫn viên người Việt Nam.
Thực tế tour giá rẻ, “tour 0 đồng” có đem lại lợi nhuận thực sự cho du lịch Việt Nam hay không?
- Mặc dù có nhiều thông tin về việc tour giá rẻ, “tour 0 đồng” gây thất thu tại một số nước. Tuy nhiên, theo tôi Trung Quốc là thị trường lớn với nhiều phân khúc, có đặc điểm tiêu dùng khác nhau, trong đó nhiều khách có khả năng chi trả cao. Khách du lịch bằng đường biển, đường hàng không đến thường sử dụng dịch vụ cao cấp tương đương chất lượng 4-5 sao, khách đi theo đường bộ phần lớn là dòng khách bình dân sử dụng dịch vụ từ 1-3 sao.
Sự biến tướng của các tour du lịch giá rẻ đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi khoảng 790 USD cho một chuyến đi Việt Nam. Cũng giống như tại các điểm đến Châu Á khác, đặc điểm thị trường khách Trung Quốc thường đi theo đoàn lớn với chi phí thấp và thường chi tiêu ngoài tour nhiều cho mua sắm hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta vẫn thu được lợi nhuận từ việc kinh doanh tour giá rẻ, tour 0 đồng thì không việc gì phải xoá bỏ loại hình kinh doanh này, nhưng phải chấn chỉnh trong cách quản lý.
Tổng cục Du lịch đã có biện pháp gì để xử lý triệt để hiện tượng này?
- Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, có cả hội thảo chuyên đề cùng các ban ngành và địa phương cùng giải quyết. Ở đây vai trò của Tổng cục Du lịch và của Bộ VHTTDL là nghiên cứu, phát hiện ra những vấn đề trên. Sau đó có những văn bản, hướng dẫn, tham mưu cho bộ để cho những chỉ đạo các địa phương vào cuộc xử lý các vấn đề tiêu cực.
Tổng cục Du lịch chúng tôi có 100 con người, không có thanh tra, không có lực lượng để đi làm thay các địa phương. Vậy nên, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp là chủ yếu vì họ quản lý trên địa bàn, có đầy đủ các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề tiêu cực đó. Bởi vì họ quản lý trên địa bàn, họ có đầy đủ cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề này như thanh tra, công an, phòng thuế. Chứ Tổng cục Du lịch không có đủ chức năng và thẩm quyền để giải quyết vấn đề này. Liên quan đến vấn đề này còn có trách nhiệm của một số Bộ, ngành như: Công an, Công thương, Ngân hàng nhà nước…Vấn đề này Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm và đã chỉ đạo thông qua các cuộc họp Chính phủ hay qua các văn bản.
Xin cảm ơn ông!