Những kỷ niệm nhỏ về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Ngày 1/10/2018, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần, thọ 101 tuổi. Tôi không phải là người biết thật rõ về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhưng là một nhà báo nhiều năm được tiếp xúc với các vị lãnh đạo cao cấp trong Đảng và Chính phủ nên cũng có một số lần được gặp ông và có những ấn tượng sâu sắc về ông.
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: Xuân Lâm).
Tôi được gặp ông từ khi ông còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho tới khi là Tổng Bí thư của Đảng và cả khi ông đã thôi làm Tổng Bí thư. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi đối với ông là hai lần được nghe ông nói chuyện và được ông trực tiếp trò chuyện trong lần tôi đưa tin để ông duyệt.
Lần đầu tiên tôi được nghe ông nói chuyện là tại Hội nghị tổng kết ngành Nội thương diễn ra tại Hội trường Giảng Võ, Hà Nội vào tháng 5 năm 1984. Ngày ấy còn chế độ bao cấp, tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cung cấp cho cán bộ và nhân dân, từ cá thịt đến vải vóc, quần áo… đều phải dùng tem phiếu mua qua hệ thống phân phối của ngành thương nghiệp. Hội nghị này có sự tham gia đầy đủ các lãnh đạo Bộ Nội thương do ông Trần Phương làm Bộ trưởng và các Giám đốc Sở Thương nghiệp các tỉnh, các Giám đốc, Tổng Giám đốc các Công ty, Tổng Công ty Thương nghiệp trực thuộc Bộ. Ông Đỗ Mười khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng đã dành trọn cả buổi chiều để nói chuyện với Hội nghị, không có nghỉ giải lao giữa chừng. Ông Đỗ Mười có thói quen khi nói chuyện đều khoát rộng cả hai cánh tay, nếu có người đứng gần, ông thường dùng tay đập đập vào vai người đó. Phải nói ông nói chuyện hấp dẫn và có nhiều thông tin bất ngờ. Hôm đó, nói đến đoạn chống tiêu cực trong ngành Thương nghiệp, ông Đỗ Mười khoát tay rồi chỉ về phía dưới Hội trường:
- Các đồng chí biết không, bây giờ chỉ có ngành Giao thông vận tải là có thể cạnh tranh với các đồng chí về mặt tiêu cực. Năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội một cô em họ đến gặp tôi, khi đó tôi là Thứ trưởng Bộ Nội thương. Cô ấy nói tôi cho cô ấy vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Hỏi trình độ văn hóa của cô ấy thế nào, cô ấy bảo chưa học hết cấp 2. Tôi nói với trình độ văn hóa như thế thì vào làm việc trong cơ quan nhà nước sao được, cô em tôi bảo: “Thế thì anh cho em đi bán hàng trong ngành thương nghiệp cũng được”. Từ đó cũng ít dịp gặp cô ấy. Mới đây, đến thăm tôi, thấy cô ấy béo ú (ông Đỗ Mười giơ hai tay làm động tác diễn tả người béo tròn), tôi hỏi:
- Cô ăn uống thế nào mà người béo tốt thế?
Cô em họ tôi trả lời:
- Anh cho em vào ngành thương nghiệp còn hơn cả cho em vàng mười! Từ ngày vào ngành thương nghiệp em muốn ăn thứ gì là có thứ ấy, muốn mua thứ gì là có thứ ấy, chồng em, con em cũng được như thế! Em cám ơn anh nhiều!
Tôi nói:
- Cô làm thế thì chết dân à?
Cô ấy trả lời:
- Em không ăn, không mua thì cũng không được vì thủ trưởng em họ cũng ăn, cũng mua còn hơn em nữa chứ!...
Cả hội trường lặng đi một lát rồi mới có tiếng xì xào.
Ông Đỗ Mười nói tiếp:
- Bây giờ nhiều cơ quan, cán bộ tổ chức ăn uống vô tội vạ. Tôi với anh Tô (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng) buổi trưa ăn bát cơm rang hoặc cái bánh mỳ là xong nhưng nhiều cán bộ ăn uống ghê lắm. Có hôm đi làm về, tôi xuống xe đi bộ ghé vào khách sạn du lịch ở đầu phố Bà Triệu gần Bờ Hồ, nhìn bản thực đơn của khách sạn thấy món nào cũng đắt, lương của tôi chắc không đủ ăn vài bữa, thế mà nhìn các bàn ăn thấy cán bộ ta nhiều lắm! Hôm đi công tác Lào Cai trên đường ghé qua Việt Trì, lại đúng hôm ở đây có hội nghị, anh em mời cơm, thấy dọn ra cả mấy mâm trên chiếc bàn được trải khăn trắng tinh, thức ăn và bia chai đầy bàn. Không hiểu nổi, sao lại ăn uống lãng phí thế, chả nhẽ lại bảo anh em dọn đi! Các đồng chí biết đấy, dân ta còn nghèo, còn khổ, ta chưa lo nổi nhu yếu phẩm cho dân mà ở đâu cũng thấy ăn uống lãng phí. Các đồng chí có biết vì sao bây giờ nhiều người nói “đi xe cố vấn, mặc áo chuyên da” không? Đấy là do các đồng chí không lo đủ hàng cung cấp cho dân khiến dân thiếu lốp xe đạp để đi, lốp bị thủng, bị rách không có lốp thay, cố vấn lại để đi! Thế mới gọi là "đi xe cố vấn" đấy! Còn mỗi người dân một năm có mấy mét vải mà các đồng chí cũng không lo đủ để bán cho dân nên áo họ rách không có áo khác thay, phải cởi trần nên họ bảo "mặc áo chuyên da", "da" là da thịt chứ không phải "chuyên gia" là vì thế! Có đau không các đồng chí?
Cuối năm sau tôi lại có mặt tại Hội nghị của ngành Nội thương, lần này họp ở thị xã Thái Bình và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười cũng tới dự và nói chyện với Hội nghị.
Vẫn khẩu khí vốn có, ông Đỗ Mười nói:
- Sáng sớm nay, trước khi tới đây dự hội nghị với các đồng chí tôi qua phà Tân Đệ thấy có cháu nhỏ không có quần mặc, cởi truồng tồng ngồng trong gió rét. Năm ngoái tôi đã nói các đồng chí không lo đủ vải bán cho dân nên mới ra nông nỗi này. Còn tệ nạn ăn uống tiệc tùng của cán bộ thì vẫn không giảm. Các đồng chí có nghe người ta nói “trên chốt ăn muối, ở dưới ăn rau, đằng sau ăn thịt” không? Anh em bộ đội ở trên các chốt biên giới không có đủ lương thực, thực phẩm, chỉ có rau với muối mà phía sau thì ăn uống vô tội vạ, ăn lấp mặt lấp mũi! Đau lắm các đồng chí ạ.
Ông Đỗ Mười đang nói thì có tiếng một người phụ nữ ở dưới hội trường nói “Đâu đến nỗi thế!” nhưng nhiều người nghe không rõ, sau đó tôi mới biết là tiếng của bà Thứ trưởng Bộ Nội thương. Ông Đỗ Mười nói ngay:
- Chị còn cãi với tôi à? Chị ra phà Tân Đệ mà xem các cháu vẫn còn cởi truồng đấy! Chị hỏi thử mấy anh em bộ đội từ biên giới về xem họ nói sao?...
Buổi tối, về Hà Nôi viết tin xong tôi đưa tin đến nhà ông Đỗ Mười ở phố Phạm Đình Hổ để ông duyệt. Hôm đó tôi lại được cơ quan báo cho biết Ban Bí thư mới cho ý kiến từ nay trở đi chỉ đưa ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại các hội nghị ngành hoặc tại các địa phương, còn các đồng chí lãnh đạo khác chỉ đưa tin đến dự mà không đưa nội dung phát biểu.
Sau khi nghe tôi báo cáo lại ý kiến trên, ông Đỗ Mười nói ngay:
- Đồng chí cứ theo chỉ đạo để đưa tin.
Rồi ông hỏi tôi:
- Đồng chí có phải về ngay hay không?
Tôi trả lời ông là còn khoảng hơn một tiếng đồng hồ nữa phát tin vẫn kịp. Ông nói:
-Thế thì đồng chí ở lại đây ta nói chuyện.
Rồi ông hỏi tôi:
- Đồng chí có biết anh em nói gì về bài nói chuyện của tôi ở hội nghị sáng nay không? Dự hội nghị xong tôi ghé qua Nhà máy dệt Nam Định vì anh em ở đây muốn xin cho nhà máy được đưa một số sản phẩm dệt bị lỗi, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, vào “kế hoạch 3” rồi bán để cải thiện đời sống công nhân. Tôi đồng ý. Cuối buổi làm việc, anh em mời tôi ở lại ăn cơm rồi hãy về. Trên đường về cậu bảo vệ của tôi kể chuyện, trước bữa ăn cô phục vụ nhà ăn nói với cậu ấy là rất áy náy vì bữa cơm dọn mời bác Đỗ Mười đạm bạc quá, chẳng có gì "tươi" cả. Bởi vì thủ trưởng của cô ấy sau khi nghe tôi nói chuyện ở Thái Bình về đã dặn cô ấy là không được dọn nhiều thức ăn cho “cụ ấy” kẻo “cụ ấy” lại nói là “ăn lấp mặt, lấp mũi”! Họ đối phó với tôi thế đấy!
Rồi ông kể tiếp:
- Đồng chí có biết người ta nói “ăn sư, ở phạm” là thế nào không? “Ăn sư” là ăn như nhà sư, nghĩa là ăn chay, không có thịt, cá vì nhà nước không cung cấp đủ thực phẩm cho cán bộ, cho dân. Còn “ở phạm” là ở khổ như phạm nhân, như là các giáo viên ở trường Đại học Sư phạm ấy. Tôi vào thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì thấy giáo viên và sinh viên ở đây ăn ở khổ thật. Nhà lá, bếp ăn không đủ lương thực, thực phẩm, các thày cô giáo nói bữa cơm tập thể chỉ có “canh đại dương” là canh lõng bõng toàn nước, chả thấy rau, thấy thịt đâu!
Rồi ông kể sau khi đến thăm Giáo sư toán học Lê Văn Thiêm thấy chỗ ở chật chội, điều kiện làm việc không tốt ông rất băn khoăn. Ông đã đề xuất với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng cấp ngân sách và bổ sung chế độ tạo điều kiện cải thiện đời sống và nơi ăn chốn ở cho các thày cô trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường Đại học khác..."
Nhớ tới nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong ngày tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng tôi lại nhớ những kỷ niệm nhỏ như thế về ông!