Cẩn thận khi truyền dịch

Thanh Thảo 22/10/2018 08:30

Tuần qua, có thời điểm chỉ trong vòng 1 ngày có tới 2 bệnh nhi tại Hà Nội và Hải Phòng cùng tử vong sau truyền dịch. Sự việc khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng- khi lâu nay vẫn có thói quen thường xuyên tự ý truyền dịch tại nhà mỗi khi đau ốm.

Thực tế cho thấy, không cần khám bệnh hay chỉ định, bất chấp cả quy định cấm của ngành y tế, nhiều người dân cứ thấy cơ thể mệt mỏi, ốm, sốt… là muốn truyền dịch. Chỉ cần lên trang mạng google gõ từ khóa “Dịch vụ truyền dịch tại nhà” lập tức có hàng chục nghìn kết quả. Thậm chí, chỉ cần một cú click chuột hoặc một cuộc gọi điện thoại là người dân đã được cung cấp ngay dịch vụ truyền dịch đến tận nhà, sẵn sàng phục vụ 24/24.

BS Nguyễn Xuân Tú - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho hay, nhiều người suy nghĩ rất đơn giản, dịch truyền là chất bổ nên muốn bổ sung khi thấy mệt. Trong khi đó, các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, mang tính hai mặt, có rất nhiều tác dụng phụ và chỉ được dùng khi bác sĩ khám, kê đơn. Mối nguy hiểm hay gặp nhất trong truyền dịch là sốc và nhiều người đã tử vong do không được xử lý sốc kịp thời.

Theo BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), trong sự nghiệp hơn 20 năm làm nghề, ông thường gặp các tai biến nhẹ do truyền dịch như: Rét run, co giật trong khi truyền. Có 2 tai biến nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng trong khi truyền dịch đó là: Sốc do dịch truyền và tai biến suy tim cấp, phù phổi cấp do quá tải thể tích tuần hoàn. Nếu việc truyền dịch tuân thủ đúng chỉ định, đảm bảo đúng tốc độ truyền, đúng phác đồ thì các tai biến này hiếm gặp.

Các bác sĩ cũng đưa lời cảnh báo: Chỉ khi mất nước, mất dịch thì mới chỉ định truyền. Tình huống thứ nhất, mất nước, mất dịch nhìn thấy. Đó là khi trẻ tiêu chảy nhiều, nôn trớ nhiều, hoặc bệnh nhân sốt cao (cứ tăng 1 độ thì chuyển hoá cơ bản tăng 10%), dẫn đến mất nước qua hơi thở, qua da. Ngoài ra, có tình huống mất dịch không nhìn thấy như trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết, gây giãn mạch, dịch từ lòng mạch ra và phải bù dịch.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), để quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không và truyền liều lượng bao nhiêu cần xét nghiệm máu và khám tim, phổi, đo mạch... Nếu một trong các chỉ số này thấp hơn bình thường cho phép, thì bác sĩ mới chỉ định truyền dịch phù hợp để bù đắp. Thậm chí, việc bổ sung không đúng các chất cần truyền cũng gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Chẳng hạn, người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều sẽ làm teo não...

Trường hợp trẻ bị sốt do viêm phổi hay mệt vì bệnh tim thì phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền và sẽ gây ra tai biến. Còn với người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến mạch máu não…Cùng với đó, việc dùng loại dịch truyền nào phải tùy từng trường hợp cụ thể, liều lượng truyền phải cân nhắc cho từng người và có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Dù tỷ lệ sốc do truyền dịch chỉ 3/10.000 ca, nhưng vẫn phải thật cẩn trọng.

Thanh Thảo