Người mang quýt ngọt về Mường Khương

Ngọc Thành 23/10/2018 17:00

Nhắc đến thứ quả đặc sản ở huyện nghèo Mường Khương (Lào Cai) bà con dân tộc Tu Dí, Pa Dí và người Dao luôn tự hào về thứ quýt ngọt do ông Làn Mậu Thành, dân tộc Tu Dí,  ở thôn Sả Hồ mang về trồng trên đất này đã giúp nhiều người vươn lên thoát nghèo.

Người mang quýt ngọt  về Mường Khương

Ông Làn Mậu Thành ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương chăm sóc vườn quýt. Ảnh: Nhandan.

Ngày lập gia đình và ra ở riêng vốn liếng của hai vợ chồng ông Thành chỉ là sức khỏe và mảnh đất đồi dốc bố mẹ cho làm của hồi môn. Vợ chồng ông tảo tần, chịu khó khai phá đất đồi khô cằn để trồng mía. Sau một hai vụ thấy cây mía không có hiệu quả kinh tế ông bắt đầu tìm hiểu và mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây quýt. Với tính ham học hỏi ông hiểu rằng, chỉ có áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, trồng trọt mới có hiệu quả. Trước khi đem cây quýt về trồng, vợ chồng ông cuốc xới diện tích rộng hơn 1 ha cho đất tơi xốp, thoáng khí kết hợp bón phân chuồng giúp đất màu mỡ hơn.

Tảo tần chăm bẵm suốt 3 năm trời, nhưng đến mùa quýt ra hoa cả vườn mới chỉ thấy lác đác mấy bông. Không nản, ông quyết tâm cố gắng chăm bón và tự tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng quýt. Năm 2006, vợ chồng ông Thành thu hoạch vụ quýt đầu tiên, tuy năng suất chưa cao nhưng đã tiếp thêm cho ông nhiều hy vọng.

Và bắt đầu từ 2.000 cây quýt giống, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây bén rễ, ra hoa, kết trái ngọt. Vào vụ, gia đình ông thu hoạch trung bình 30 tấn quả, sau khi trừ đi mọi chi phí, công xá vẫn thu về cả trăm triệu đồng. Hiện, ông Thành đang là người sở hữu vườn quýt rộng nhất Mường Khương, với diện tích 7 hecta, mỗi năm mang về doanh thu 500 – 600 triệu đồng.

Từ hiệu quả của vườn quýt ngọt của gia đình ông Thành, giờ thì hàng trăm gia đình người Tu Dí, Pa Dí, người Dao ở Mường Khương chuyển sang trồng quýt. Những cây con lần lượt bén rễ, ra hoa, kết trái khắp thị trấn Mường Khương, rồi các xã Tung Chung Phố, Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ… Nhờ cây quýt, nhiều hộ đã thoát được nghèo, xây được nhà và sắm sửa các vật dụng trong gia đình.

Tiếng lành đồn xa, những trái quýt mỏng vỏ, ngọt thơm đã dần được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi mùa quýt huyện nghèo Mường Khương nhộn nhịp thương lái tìm đến. Bà con nông dân vô cùng phấn khởi, trên mảnh đất khô cằn trước đây cây quýt đã mang về nguồn thu nhập khá. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chính thức công nhận nhãn hiệu quýt Mường Khương, đây chính là điều kiện để sản phẩm quýt Mường Khương có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Thấy nhu cầu trồng quýt ngày càng tăng nên ông Thành đã ươm cây giống để phục vụ cho bà con, ngoài ra ai đến học hỏi kỹ thuật ông đều tận tình hướng dẫn và tặng cây giống cho những hộ nghèo, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ để bà con vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn.

Theo ông Đinh Trọng Khôi, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương, huyện có gần 400 hecta quýt, trong đó 130 hecta đã đến kỳ thu hoạch, cho sản lượng ước đạt 800 tấn. Với giá bán từ 15 – 20 nghìn đồng/kg, mỗi hecta quýt có thể mang lại doanh thu gần 100 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, nhiều bà con dân tộc ở Mường Khương đã thoát nghèo.

Cùng với việc trồng cây quýt, gia đình ông Thành kết hợp trồng ngô, nuôi lợn, mỗi năm xuất bán từ 20 đến 30 con lợn thịt. Năm 2012 ông Thành đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2007-2011. Ông cũng nhận được nhiều giấy khen, Bằng khen của huyện, tỉnh vì có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua. Ông thật xứng đáng với danh hiệu mà bà con vẫn trìu mến gọi là “người khai sinh” giống quýt ngọt trên đất Mường Khương.

Ngọc Thành