Quyền con trẻ
Theo lý sự của học sinh bây giờ, chúng cần được tôn trọng và có quyền được riêng tư…
Tham gia sinh hoạt trong Hội phụ huynh trường THPT nơi con đang theo học, tôi vừa nhận được kết quả thi giữa kỳ I của học sinh lớp 10, do giáo viên chủ nhiệm thông báo trong nhóm chung. Nhìn bảng điểm để so sánh lực học giữa con mình và các học sinh khác trong lớp, tôi nhận thấy đa phần điểm Toán của các con rất kém.
Về nhà, trao đổi lại với con, cháu không hài lòng và dằn dỗi: Chỉ vì sự thông báo mở của cô giáo mà bao bạn lớp con mất vui, về nhà bố mẹ chúng nó so sánh điểm thi của con nhà người ta thế này, thế kia mà con nhà mình sao lại quá thấp… Đáng lẽ cô giáo nên thông báo điểm thi riêng tới từng phụ huynh, để các bạn không có cảm giác bị “tẽn” trước tập thể. “Mọi thứ minh bạch nhưng cũng cần tế nhị, vì bọn con lớn rồi”- cháu đề nghị.
Nhân việc có thông tin tới đây trẻ em sẽ được góp ý vào những văn bản liên quan tới trẻ em, con tôi và các bạn cùng lớp đang có chung đề xuất: Những buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm chỉ nên thông báo tình hình chung, hoạt động tập thể của cả lớp. Riêng những trường hợp học sinh cá biệt, hoặc những bạn cần có lưu ý đặc biệt, cô nên họp hoặc trao đổi riêng tới phụ huynh. Không nên thông báo giữa chỗ đông người, tránh trường hợp có bố mẹ “sốc” vì kết quả học tập của con em mình. Theo lý sự của học sinh bây giờ, chúng cần được tôn trọng và có quyền được riêng tư…
Nhìn rộng ra, có một thực tế là những ngày qua, một văn bản liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có liên quan trực tiếp đến trẻ em như việc học thêm dạy thêm, hoặc nạn bạo lực học đường, vi phạm thân thể người học- gần như mới chỉ thấy có ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, giáo viên mà chưa thấy xuất hiện ý kiến của học sinh các cấp học. Và điều học sinh băn khoăn nhất là: Liệu những ý kiến đóng góp của chúng, đơn giản từ chuyện họp phụ huynh liệu có được lắng nghe, điều chỉnh hay không?