Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Tăng hiệu quả công tác chống tham nhũng
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão kỳ vọng, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước giúp chức danh Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có thẩm quyền hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên ông Vũ Mão cũng cho rằng cần hoàn chỉnh các quy định pháp luật về hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão.
Cần sửa Điều lệ Đảng
PV:Việc Trung ương giới thiệu Quốc hội để bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, có ý kiến lo ngại việc này dẫn đến sự tập trung quyền lực quá lớn vào một cá nhân. Quan điểm của ông?
Ông Vũ Mão: Việc Ban Chấp hành Trung ương họp và giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trình ra Quốc hội bầu vào chức danh Chủ tịch nước thời điểm này là phù hợp và cũng chín muồi. Trong lịch sử Việt Nam, Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Ở thời điểm đó, mô hình này rất phù hợp, thuận lợi cho quan hệ trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, khi Bác Hồ mất, năm 1969, do hoàn cảnh, bối cảnh nhân sự cụ thể khi đó, kết hợp giữa yêu cầu chính trị với đấu tranh thống nhất đất nước, các chức danh được chia ra, Tổng Bí thư Đảng là Lê Duẩn, Chủ tịch nước là Tôn Đức Thắng.
Đến giờ, trong bối cảnh đất nước bị khuyết vị trí Chủ tịch nước thì việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước là rất phù hợp. Xét về công việc, sự thống nhất chức danh Tổng Bí thư với Chủ tịch nước là sự kết hợp rất tốt, quan hệ đối nội, đối ngoại đều thuận.
Còn lo ngại về việc quyền lực quá tập trung thì bản chất vấn đề không nằm việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước mà nằm ở quy định về chức danh Tổng Bí thư trong Điều lệ Đảng.
Cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Tôi có nguyện vọng: Đảng thực hiện sửa đổi, bổ sung điều lệ cho phù hợp với tình hình mới. Điều lệ Đảng hiện tại không quy định rõ Tổng Bí thư có bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn, Ban Bí thư, Bộ Chính trị có bao nhiêu… Điều lệ mới chỉ nêu nguyên tắc Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương họp lần thứ nhất bầu ra Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong tổng số Ủy viên Bộ Chính trị, bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong khi đó, Hiến pháp hiện quy định rất rõ Chủ tịch nước có 6 nhiệm vụ, quyền hạn… Vậy nên với chức danh Tổng Bí thư, mọi việc tuỳ thuộc nhiều vào việc tự xác định của vị đó.
Trung ương đề ra việc kiểm soát quyền lực rất đúng nhưng quan trọng là xác định cần làm thế nào để việc đó không chỉ là khẩu hiệu hô hào mà phải được thực hiện bằng cơ chế, bằng quy định pháp luật.
Tôi mừng là vừa qua, tại Hội nghị 8, Trung ương đã quyết đinh thành lập tiểu ban nghiên cứu, sửa đổi Điều lệ Đảng. Làm được như vậy thì mới hy vọng kiểm soát được quyền lực.
Cũng có ý kiến cho rằng, lựa chọn được cá nhân có đủ điều kiện, tố chất lãnh đạo, trong sáng, đạo đức thì có thể an tâm với việc tự điều tiết, kiểm soát được hành động?
- Theo tôi, kiểm soát quyền lực trước hết phải trông vào hệ thống cơ chế chính sách pháp luật vì mỗi cá nhân, nói theo đạo Phật, đều tham sân si, người nào cũng đều có ưu có khuyết, có ánh sáng và có bóng tối, có ban ngày và có ban đêm. Để tự cá nhân điều tiết bản thân thì đòi hỏi sự rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên, liên tục nhưng trước hết vẫn là cần có cơ chế chính sách để xác định người đó được làm gì, không được làm gì để tự “căn ke” đồng thời để cử tri, nhân dân giám sát được. Nói thật, ai nói mạnh được.
Ngoài ra cũng cần xây dựng suy nghĩ thường trực trong mỗi con người tư duy về nhà nước pháp quyền thì mới có được sự kiểm soát hiệu quả.
Chặt chẽ hơn, chính danh hơn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm vị trí người lãnh đạo cao nhất của Đảng để lại dấu ấn đậm nét nhất trên mặt trận chống tham nhũng. Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ tác động thế nào tới công tác này?
- Tôi nghĩ là việc này rất thuận lợi. Tổng Bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là mô hình tốt, thời gian qua đã đem lại hiệu quả nhất định. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về tính pháp lý.
Ban chỉ đạo do Đảng thành lập nên trong nhiều vụ việc, vấn đề, sau kỷ luật Đảng, những đề nghị xử lý về mặt chính quyền, theo đó, còn phải chờ.
Giờ Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, làm Trưởng Ban chỉ đạo thì thẩm quyền hoàn chỉnh hơn. Trên thực tế, Ban chỉ đạo hiện vẫn đủ thành phần lãnh đạo bên Đảng (Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương…), bên Chính phủ (Phó Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an…), bên Quốc hội (Phó Chủ tịch Quốc hội)… tức về thực chất, đó là Ban chỉ đạo thống nhất của cả Đảng và Nhà nước.
Vậy thì với việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thì cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo sao cho chặt chẽ, chính danh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, “ôm” thêm nhiệm vụ của Chủ tịch nước có thể làm Tổng Bí thư bị phân tán, thiếu tập trung cho phần công việc được đánh giá cao nhất này?
- Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì quyền lực là cao nhất, là Tổng tư lệnh chỉ đạo trên mặt trận chống tham nhũng. Vấn đề là phân bổ thời gian sao cho hợp lý.
Nếu trước đây, Tổng Bí thư chỉ phải tập trung cho công tác Đảng, thì giờ, khi đồng thời là Chủ tịch nước, ông phải dành 50% cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu Nhà nước. Phải làm cả 2 nhiệm vụ, không thể nói bên này nặng, bên kia nhẹ.
Điều đó dẫn tới việc phải tăng cường thêm nội hàm công việc cho chức danh Thường trực Ban Bí thư mà lâu nay chức năng, quyền hạn thực hiện còn hơi “non”.
Thời Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng, trong Đảng có Bí thư thứ nhất là chuyên trách công tác Đảng, có thẩm quyền được quy định rõ. Vậy với Thường trực Ban Bí thư giờ cũng cần tính toán cơ chế, chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp.
Xin cảm ơn ông!