Sự ghen tị làm bản thân đau khổ
NTK Phạm Hồng để có được sự tự chủ, vui vẻ và thành công với các thiết kế hòa hợp giữa thời trang và nghệ thuật, cô từng tự vượt qua cơn ghen của bản thân, sự suy sụp về tinh thần, bế tắc trong công việc để tìm kiếm ‘kho báu”, kích hoạt được sức mạnh tiềm tàng bên trong. Cô chia sẻ câu chuyện của mình trong Chuyên đề Tinh Hoa Việt số này.
1. “Khi người đàn ông của mình để ý đến phụ nữ khác, thì không phải do bản thân mình không đẹp. Cuộc sống này mỗi con người đều có giá trị riêng, đa dạng lắm. Vì vậy, có thể người phụ nữ mà đàn ông của mình đang để ý có nét hấp dẫn nào đó, mà không phải là tất cả. Bản thân mỗi người đều có những nét riêng, và ta cần tự tin vào điều ấy. Vẻ xinh đẹp, tài năng không ai so sánh được với ai.
Thói ghen xảy ra khi bản thân tôi chưa có đủ tài năng cùng nhiều yếu tố khác, và bắt đầu để ý đến xung quanh. Tôi thử nghiệm nhiều điều trong công việc mà không có kết quả nào khả quan, trong khi những người khác quanh tôi đã đạt thành công, tôi bắt đầu so sánh mình với họ và nảy sinh suy nghĩ, “sao tôi lại thua thiệt như thế!”, rồi tiếp theo ám ảnh việc làm thế nào để có được thành công như vậy.
Quay trở lại câu chuyện về thói ghen của đàn bà, khi tôi quay về tìm kiếm sức mạnh bên trong bản thân, thấy được mình muốn gì, cần gì, thay vì trước đây cứ nhìn ra bên ngoài, loay hoay và thấy hoang mang. Sự hoang mang, làm cho mình so sánh với người khác và ghen với những gì họ có. Cảm giác ghen đưa tinh thần vào trạng thái rất nặng nề. Bản thân là một phụ nữ, thì đã sẵn tính soi mói, tò mò về người xung quanh, bực bội khi họ hơn mình, ghen với thành quả của họ, để rồi bàn tán.
Không biết giá trị mình ở đâu mà chỉ nhìn vào bề ngoài người khác rồi dằn vặt bản thân, tôi cũng từng ở trong nhóm đó. Tôi sống trong trạng thái khó tả đó rất nhiều ngày mà không làm được cái gì, rồi lại thấy thêm tuyệt vọng về chính bản thân, cho rằng mình là một người thất bại. Tâm lý của tôi ngày một suy sụp trong sự rối ren. Tôi nản dần rồi bắt đầu buông xuôi, mọi thứ hoàn toàn bế tắc. Tôi tự giam mình, ít giao tiếp, không chia sẻ hay gặp ai hết. Sự ghen tị có trong mình sẽ làm bản thân rất đau khổ. Việc mình gặp người mà họ đang thành công (theo quan điểm của mình lúc đó), trước mặt thì mình nói chuyện, nhưng sau đó, mình thấy rất dằn vặt và bi quan. Đấy là giai đoạn khi tôi chưa “ngộ” ra vấn đề”.
2. “Năm 2005, để thay đổi trạng thái tâm lý đang bị suy sụp của mình, tôi tham gia một số chương trình nghệ thuật và gặp một nữ nghệ sĩ người Đức, cô ấy đến Việt Nam, làm một số work shop có liên quan đến thời trang, tìm kiếm những gương mặt nghệ sĩ trẻ thực lòng đam mê nghệ thuật. Tôi trao đổi với cô ấy bởi cảm giác đã tìm được người sẽ lắng nghe được câu chuyện của tôi. Cô ấy đã nói với tôi: “Bạn phải nhìn vào bên trong bạn và khám phá chính mình. Bất kỳ ai cũng đều có kho báu của bản thân. Khi bạn chưa tìm được kho báu đó thì dĩ nhiên bạn sẽ loay hoay nhìn vào người khác và chỉ thấy cái họ có mà không thấy được bạn cũng có sẵn mọi thứ rồi. Vì thế bạn phải tự tin lên”. Từ các buổi thực hành work shop, tôi đã thực hành cùng cô ấy và dần nhìn ra được vấn đề của mình.
Sau thời gian nhận thức lẫn trải nghiệm, tôi mới nhận ra những thành công của người khác có được không hề dễ dàng. Bất kể điều gì có được cũng phải đánh đổi. Để đến được đích, trên đường nhiều người sẽ vấp ngã, và tôi cũng như các bạn đâu nhìn được sự vấp ngã của họ. Bản thân mỗi người đều phải tự rèn luyện rất nhiều, trải qua bao khó khăn, sau khi trưởng thành hơn về tư duy, tôi đặt câu hỏi cho chính mình rằng bản thân đã đủ dũng cảm, nghị lực để vượt qua những điều trên chưa? Nếu mình không làm được thì làm gì có thành công nào, tất cả chỉ dừng lại ở đúng cái mức mà bản thân đang là thôi. Nếu tôi cứ tiếp tục soi mói thành công của người khác rồi ghen với thành quả của họ thì mãi mãi chẳng thế nào là đủ. Mỗi người đều có vị trí, thứ bậc khác nhau trong xã hội, nên chúng ta cần phải nhìn ra được giá trị của bản thân, những nỗ lực cá nhân và đề cao nó. Rất không nên chỉ thấy hình thức bên ngoài của người khác. Như kiểu, họ thành công như vậy đấy và mình thì cần phải thành công cho bằng được giống thế”.
3. “Năm 2010, tôi chính thức bước chân vào làng thời trang, tôi bắt đầu để ý và theo dõi xu hướng thời trang trong nước, quốc tế cùng các nhà thiết kế nổi danh. Thị trường Việt Nam có nhiều cạnh tranh khốc liệt, xuất hiện nhiều nhà thiết kế có tài, mặc dầu vậy ai cũng khó khăn trên con đường khẳng định vị trí của mình. Tôi tự hỏi, trong tất cả những nhà thiết kế của Việt Nam như vậy, làm thế nào để mình tạo được dấu ấn riêng. Tôi tìm hướng đi cho mình bằng việc tự vấn bên trong tôi có chất gì, có thể làm nên sự khác biệt như thế nào. Sau đó nhìn lại, trước khi làm thời trang, tôi thấy suy nghĩ của mình vốn khác biệt, và như thế đã là một phần nền rồi. Tôi tự học, tìm người có chuyên môn để trao đổi, tìm ra cảm hứng để có thể khai thác được bản thể chính bên trong mình. Quá trình được tiếp xúc với nghệ thuật và làm việc với các nghệ sĩ (NTK Hồng Phạm từng tham gia vào các hoạt động nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, cô là nghệ sĩ làm sắp đặt và trình diễn - pv), tôi thấy có sự cộng hưởng. Bản thân tôi là người yêu nghệ thuật cũng như hiểu nó nên mới tìm kiếm làm sao có thể kết hợp được nghệ thuật với thời trang. Với nghệ thuật, con người thường yêu thương nó và có sự khát khao tự nhiên được sống trong nghệ thuật. Vì thế, làm sao để mọi người gắn bó với nghệ thuật qua đời sống thường ngày. Và tôi tìm kiếm chất liệu cho các thiết kế thời trang của mình, kết hợp với nghệ sĩ, cùng nhau sáng tạo ra tác phẩm về thời trang, mà ai cũng có thể sử dụng được.
Lúc này, khi gặp các nhà thiết kế trẻ tìm đến để hỏi tôi về sự “thành công”, tôi nhìn họ như thấy lại hình ảnh của chính mình cách đây gần chục năm. Và tôi cũng nói chuyện với các bạn trẻ đó câu chuyện của chính mình, mong họ đi qua được việc so sánh bản thân mình với người khác, ghen tị… để khám phá kho báu đang có sẵn”.