Mô hình VietGAHP: Nâng tầm quy trình sản xuất
Khi tham gia vào mô hình VietGAHP của dự án LIFSAP, các trang trại, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp giết mổ thịt heo đều phải tuân thủ tiêu chuẩn và quy trình chặt chẽ, khoa học của dự án này. Từ đó giúp nâng tầm quy trình chăn nuôi, sản xuất thịt heo, đảm bảo vệ sinh, chất lượng thịt heo khi cung cấp ra thị trường.
Quy trình mổ thịt heo tự động theo quy định LIFSAP của công ty Thy Thọ.
Triển khai dự án sâu sát vào thực tế
Sau một thời gian thực hiện triển khai mô hình VietGAHP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thiết lập ba vùng GAHP, gồm: Huyện Xuân Lộc, Huyện Thống Nhất và Thị xã Long Khánh. Dự án cũng thành lập được 67 THT chăn nuôi với tổng số 863 hộ chăn nuôi tham gia áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn. Cụ thể là:Huyện Thống Nhất: 30 THT/385 hộ; Huyện Xuân Lộc: 22 THT/248 hộ; Thị xã Long Khánh: 15 THT/230 hộ.
Hoạt động THT chăn nuôi theo quy trình GAHP được duy trì thường xuyên, định kỳ một tháng một lần. Nội dung sinh hoạt là phòng chống dịch bệnh, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, liên kết sản xuất kinh doanh đầu ra cho sản phẩm.., áp dụng chăn nuôi an toàn kết hợp với vận hành máy trộn thức ăn để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, dự án này còn triển khai nâng cấp cơ sở giết mổ và chợ thực phẩm tươi sống tại tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay dự án này đã hỗ trợ đầu tư cho 20 cơ sở giết mổ tập trung với quy mô từ 150 đến 300 con/ ngày, số tiền hỗ trợ là 30.0000 usd/lò mổ và hỗ trợ 13 cơ sở giết mổ nhỏ với quy mô 20 - 30 con/ngày mức hỗ trợ là 6.000 usd/cơ sở. Tất cả thiết kế các cơ sở giết mổ đều được PPMU gửi xin ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên ngành liên quan để giúp cơ sở có thiết kế phù hợp.
Cần nhân rộng phát huy mô hình
Ngày 18/10/2018, theo sự giới thiệu của Ban quản lý dự án LIFSAP, chúng tôi đến tham quan mô hình giết mổ heo theo tiêu chuẩn VietGAHP của Công ty Thy Thọ ở Thị xã Long Khánh, ngoài cung cấp thịt cho các chợ trên địa bàn thì. Công ty Thy Thọ còn tham gia chuỗi an toàn thực phẩm của TP HCM, cung cấp thịt heo cho hện thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam
Anh Nguyễn Quang Thọ- Giám đốc Công ty Thy Thọ, cho biết: Gia đình anh làm nghề giết mổ heo từ năm 2000. Năm 2011, khi dự án LIFSAP triển khai mô hình chăn nuôi, sản xuất heo theo tiêu chuẩn VietGAHP, anh quyết định tham gia đầu tư cơ sở giết mổ khoảng 200.000 usd và được dự án LIFSAP hỗ trợ 30.000 USD , anh đầu tư vào nhà xưởng giết mổ heo theo yêu cầu, quy trình của dự án. Nhà xưởng giết mổ này phải đáp ứng 5 hạng mục gồm: Dàn mổ treo, nhà vệ sinh, phòng kiểm soát dịch bệnh, phòng thay đồ của công nhân, hệ thống xử lý nước thải. Ban quản lý dự án giám sát rất chặt khi thi công và kiểm định nhà xưởng nghiêm ngặt.
Theo anh Thọ, thịt heo làm theo VietGAHP khi làm xong có thể nhập trực tiếp cho đối tác. Họ về pha lóc, đóng gói bán ngay.
Anh Quang Thọ đang vận hành thử quy trình giết mổ thịt heo tự động.
Khi hoàn thành xong nhà xưởng, khách hàng ít, do người dân còn chưa biết về dự án này và sản phẩm thịt heo VietGAHP. Năm 2015, anh chỉ bán được cho 10 tiểu thương ở khu vực, số lượng tiêu thụ khoảng 50 con/ ngày. Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai giới thiệu cho anh đối tác MM Mega Market ở TP. HCM. Theo yêu cầu của đối tác này, anh phải thành lập Công ty. Hiện nay, Công ty của anh cung cấp hơn 100 con/ ngày, đêm cho các đối tác ở TP HCM và lân cận. Thời gian qua, nhà xưởng của anh được Ban quản lý dự án đánh giá là đạt chuẩn và phát triển tốt, được nhiều đoàn khách từ các tỉnh đến tham quan, học hỏi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thọ cho biết, lý do anh tham gia chuỗi thịt heo VietGAHP của dự án LIFSAP, vì thấy ý nghĩa, sự cần thiết trong việc cung ứng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng đảm bảo cho người dân và cộng đồng. Theo anh Thọ, mô hình mổ thịt heo VietGAHP là mô hình theo quy trình mổ treo khép kín một chiều. Hầu hết công đoạn xử lý là bằng máy móc, kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh, thức ăn.. nên giảm tối đa việc lây bệnh dịch.
“Nếu so với các giết mộ heo truyền thống thì sản xuất thịt heo theo mô hình VietGAHP không năng suất bằng, vì quy trình làm thịt heo này rất kỹ, phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn nên làm chậm, nhưng nó mang lại sản phẩm thịt heo đảm bào chất lượng”- anh Thọ nói.
Cũng theo anh Thọ, mô hình này giúp nâng tầm quy trình sản xuất thịt heo, đảm bảo chất lượng thịt heo sạch, tốt. Để mô hình này phát triển mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, cộng đồng hiểu về những ưu thế của mô hình, chất lượng tốt sạch của thịt heo từ mô hình. Bởi nếu không tham gia hoặc tìm hiểu về mô hình sẽ không nắm bắt về mô hình, không biết được những ảnh hưởng tác động của nó đến cộng đồng.