Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc: 2 phương án của Ủy ban Tư pháp
Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Vinh.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Bởi trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác PCTN.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH.
Tại phiên họp, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐB xoay quanh quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp trình ra xin ý kiến Quốc hội 2 phương án.
Theo đó, phương án 1 quy định: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.
Còn phương án 2 quy định: Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho Cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Tuy nhiên, cả 2 phương án đang còn những luồng ý kiến tranh luận khác nhau giữa các ĐB. Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) thì cả 2 phương án đều khó khả thi. Theo ông Tuấn, thuế chỉ thu đối với tài sản hợp pháp, còn trao cho tòa án e rằng sẽ quá tải. Trong khi đó Công ước Liên hợp quốc về PCTN mà nước ta cũng là thành viên, quy định làm giàu bất chính là cần điều tra. Cho nên tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc thì chuyển cho cơ quan điều tra thụ lý. Khi điều tra thấy có dấu hiệu hình sự thì điều tra khởi tố, còn nếu không thì chuyển cho cơ quan thuế để đánh thuế.