Nông sản sạch chật vật vào siêu thị
Hiện có đến gần 90% các loại nông sản sạch được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống, điều này cũng có nghĩa rằng, chỉ khoảng 10% nông sản được tiêu thụ qua kênh bán lẻ hiện đại như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Thực tế này không chỉ mang những mối lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn khiến nhà sản xuất trong nước chịu rủi ro mất sân nhà.
Tỷ lệ nông sản sạch vào siêu thị vẫn thấp.
Chỉ 10% nông sản sạch vào siêu thị
Khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa hàng nông sản vào được siêu thị với hàng bán ngoài các chợ truyền thống khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao nông sản sạch lại khó vào siêu thị đến vậy? Và điều này cũng cho thấy, người tiêu dùng hiện vẫn chưa được sử dụng các sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe. Bởi, 90% sản phẩm bán ở các kênh truyền thống, chợ cóc, vỉa hè…có bao nhiêu trong số đó được kiểm định về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm? Trong khi số lượng hàng sạch vào được siêu thị chỉ là 10%.
Lý giải về thực trạng này, giới chuyên gia trong ngành bán lẻ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do phương thức canh tác của bà con nông dân vẫn manh mún, thiếu sự liên kết theo chuỗi nên không đảm bảo được các tiêu chí mà các kênh bán lẻ hiện đại đặt ra. Bởi muốn vào được các hệ thống siêu thị hiện đại, hàng hóa cần phải đạt được những quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, nhất định sản phẩm nông sản cần phải được sản xuất theo các quy trình sạch.
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp Hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhiều nhà sản xuất hiện nay còn chưa nắm được những công nghệ sản xuất an toàn, không chủ động được truyền thông thị trường. Điều quan trọng là nhà sản xuất cần tuân thủ bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ song dường như không nhiều nông hộ hiện nay quan tâm, vẫn còn sản xuất theo “kinh nghiệm”. Ngoài ra, họ thiếu hẳn những “kỹ năng” về nắm bắt thông tin thị trường, thiếu sự liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng, họ vẫn chủ yếu phụ thuộc thương lái tự do và doanh nghiệp (DN) bao tiêu. Phương thức làm ăn manh mún này khó có thể đáp ứng được những yêu cầu mà các kênh bán lẻ hiện đại đặt ra.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cũng nêu lên nhận định: Hàng Việt nói chung, trong đó có nông sản Việt nói riêng khó tham gia được vào chuỗi, hệ thống phân phối lớn, hiện đại đầu tiên là bởi chất lượng, thương hiệu hàng hóa chưa đủ tầm để được đưa vào mạng lưới phân phối. Chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm rất hạn chế.
DN cung ứng bị “chèn ép”?
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, theo chia sẻ của nhiều nhà sản xuất cũng như một số DN kinh doanh nông sản sạch, sở dĩ tỷ lệ hàng nông sản sạch tại kênh bán lẻ hiện đại quá khiêm tốn như hiện nay còn là bởi họ bị các đơn vị phân phối chèn ép khi đưa ra mức chiết khấu quá cao, và chỉ những DN nào đáp ứng được mức “chèn ép” đó thì mới có thể đưa sản phẩm của mình chen chân vào siêu thị.
Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia trong ngành bán lẻ, thẳng thắn đưa ra nhận định: Yếu kém ở khâu sản xuất là một trong những lý do khiến cho lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị còn khiêm tốn. Song một lý do khác mà cần phải “nói thẳng, nói thật” đó là do các đơn vị phân phối đưa ra mức chiết khấu quá cao khiến cho ít nhà cung ứng nào có thể “gánh” được. “Mức chiết khấu thông thường lên tới tới 25-30%, cộng với những chi phí bất hợp lý khác thì có nhà cung ứng nào chịu nổi và do đó, nông sản sạch lại được bày bán ngoài thị trường, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn”- Ông Phú nhận định.
Trước đây, hàng hóa chỉ cần mất 30 phút kiểm tra là vào được siêu thị với mức chiết khấu bình quân 12,8%, hiện nay thì khác, mức chiết khấu quá lớn gây áp lực cho các DN, nhà sản xuất. Thậm chí, nhiều siêu thị lớn còn gây sức ép cho nhà cung ứng khi chỉ lựa chọn một vài đơn vị cung ứng, còn lại họ từ chối hết. Ví dụ 10 đơn vị gửi rau vào siêu thị, chỉ 1-2 đơn vị được chọn. Đó là những đơn vị chịu chi chiết khấu cao. Điều này là một phần câu trả lời cho việc tại sao các sản phẩm nông sản sạch chiếm tỷ lệ thấp như vậy tại các kênh bán hàng hiện đại.
Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, nó không những gây ra các nguy cơ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn một nguy cơ khác, đó là, khả năng nông sản Việt mất sân nhà khi không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại. Như vậy, nếu nàng hóa trong nước không thể “chen chân” vào các kênh bán lẻ hiện đại thì liệu có còn giữ được thị trường trong nước hay sẽ nhường “sân” cho sản phẩm hữu cơ của nước ngoài?