Đồ gỗ Việt chiếm lĩnh thị trường
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của ngành sản xuất và chế biến đồ gỗ của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong hoạt động này, doanh nghiệp (DN) trong ngành phải chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Đồ gỗ Việt đang thâm nhập tốt vào thị trường các nước.
Từ điểm xuất phát thấp, chỉ chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nguyên liệu thô sang một số nước châu Á, nhưng đến nay ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã tạo ra được những sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại. Thành công được ghi nhận thông qua giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản. Từ 2,3 tỷ USD vào năm 2007 tăng lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017.
Theo giới kinh doanh trong ngành, chất lượng và mẫu mã của sản phẩm gỗ đang được người tiêu dùng các nước lựa chọn và tin dùng. Đề cập đến thị trường xuất khẩu của sản phẩm gỗ Việt, Bộ công thương cho biết, thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU là những thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ. Đơn cử, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam (chiếm 40%) với nhu cầu nhập khẩu vào khoảng 30,7 tỷ USD/năm (chiếm 20% thị phần đồ nội thất thế giới).
Với thị trường Nhật Bản, sản phẩm gỗ Việt vào thị trường này chiếm 14%, trong đó chủ yếu là đồ gỗ nội thất (chiếm hơn 50%). Tương tự, EU cũng là thị trường tiêu thụ lớn của thế giới và của Việt Nam. Hiện sản phẩm gỗ Việt vào thị trường này chiếm 10% nhu cầu nhập khẩu (khoảng 38,5 tỷ USD/năm).
Ngoài thị trường truyền thống, thị trường mới, các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu. Mặc dù thị trường xuất khẩu liên tục phát triển và mở rộng, song sản phẩm gỗ “made in Vietnam” cũng cần có sự chuẩn bị tốt, vì ngoài chất lượng, mẫu mã các nước nhập khẩu đang khắt khe về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Một số thị trường lớn nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đòi hỏi ngày càng cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của nguồn nguyên liệu. Đơn cử: Australia đã ban hành Luật Cấm khai thác gỗ bất hợp pháp năm 2012, Nhật Bản ban hành Đạo luật Gỗ sạch có hiệu lực vào tháng 5 năm 2017…Bởi vậy, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ, ngoài nhập khẩu gỗ từ các nước, DN trong nước cũng chủ động được nguồn nguyên liệu.