Đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân
Đây là đánh giá, nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Định hướng chính sách về sửa đổi Luật BHYT” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây. Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc sửa Luật BHYT là cần thiết nhưng cần phải có những đánh giá tác động, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để từ đó xây dựng chính sách phù hợp.
Để hướng đến BHYT toàn dân việc sửa Luật BHYT là yêu cầu tất yếu.
Việc sửa luật là cần thiết
Hiện nay, quá trình thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam ước đạt 87,4% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm. BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Đơn cử, các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc như: Phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức KCB BHYT (hợp đồng, đăng ký KCB, chuyển tuyến, thủ tục KCB, giám định); phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; quản lý và sử dụng BHYT; tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT…
Xuất phát từ thực tế trên, việc sửa Luật BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân cũng như giúp ngành chức năng quản lý và vận hành tốt quỹ BHYT là yêu cầu tất yếu. PGS.TS Phạm Lê Tuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, để BHYT là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, để việc sửa đổi Luật BHYT đạt hiệu quả, ngày 21/6/2018, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo chuyên gia về định hướng sửa đổi Luật tại Hà Nội và ngày 18/8/2018 đã tổ chức Hội thảo mở rộng khu vực phía Nam tại TPHCM nhằm tổng kết, đánh giá những vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT và đề xuất các nội dung liên quan đến định hướng sửa đổi Luật BHYT.
“Tại các hội nghị lấy ý kiến, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin về thực trạng và việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2015-2018 để các đại biểu cùng nhau thảo luận về những tồn tại và bất cập của Luật BHYT hiện hành; xác định cách thức tiếp cận sửa đổi Luật BHYT dựa trên bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế và xin ý kiến định hướng chính sách sửa đổi Luật BHYT” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết.
Sửa đổi theo hướng nào?
Đánh giá việc sửa đổi luật BHYT, TS Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, về cơ bản chính sách pháp luật BHYT đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng cần sửa đổi một số nội dung để tránh ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khoẻ của người dân trong thời gian tới.
Qua nghiên cứu, tham khảo Luật BHYT ở một số nước, TS Tiên gợi ý một số chính sách sửa đổi Luật BHYT theo hướng: sửa đổi toàn diện Luật BHYT; tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; có lộ trình và địa chỉ chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Tiên cũng đưa ra 5 nhóm vấn đề cần lưu tâm trong dự kiến sửa đổi Luật BHYT. Trong đó, cần tập trung vào mở rộng diện bao phủ; hoàn thiện, tăng cường, mở rộng quyền lợi tham gia BHYT; tạo thuận tiện trong việc cung ứng dịch vụ y tế; nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT.
Góp ý tại Hội thảo, ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đưa ra đề xuất về phát triển đối tượng và công tác thu BHYT cần gắn liền với phát triển BHYT bền vững, tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng, đảm bảo công bằng trong đóng- hưởng BHYT.
Theo ông Thao, cơ quan chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT cần xem xét lại chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí KCB BHYT; bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định; quy định chặt chẽ về điều kiện ký hợp đồng KCB BHYT; thực hiện kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở KCB…