Pháp luật trên trời, cuộc đời… dưới đất
Ý tứ câu nói trên là của một đại biểu Quốc hội khóa XIV, được nói ra ở nghị trường, nhằm phân tích về không ít các bất cập trong thực tiễn pháp lý cũng như “phản biện” không ít những chính sách pháp luật còn chưa đến được với thực tế. Trong mấy ngày qua, câu chuyện bán tờ 100 đô la Mỹ và bị phạt tới cả gần trăm triệu đồng ở thành phố Cần Thơ là một trong nhiều ví dụ.
Bài viết, xin không nêu lại nội dung cụ thể của vụ việc đang “dậy sóng dư luận” liên quan đến công dân Nguyễn Cà Rê bán 100 USD cho tiệm vàng Thảo Lực (ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), mà chỉ đưa ra một số quan điểm pháp lý, thực tiễn thi hành pháp lý, thậm chí là cả những cư xử, ứng xử pháp lý với nhiều loại ngoại tệ khác nhau đang được mua bán lưu hành hiện tại ở nước ta.
Theo quy định tại Tiết a, Khoản 3, Điều 24, Nghị định 96/2014/NĐ-CP thì hành vi “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” sẽ bị xử phạt 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Do đó, việc UBND TP Cần Thơ áp dụng quy định này để xử phạt ông Nguyễn Cà Rê có là có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Vậy tại sao, việc UBND TP Cần Thơ ban hành 02 văn bản pháp lý xử phạt hành vi này của ông Nguyễn Cà Rê, rõ ràng đúng luật nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình từ nhân dân? Theo dư luận và nhiều chuyên gia (cả chuyên gia luật và chuyên gia tài chính, ngân hàng) là do có sự bất hợp lý. Cụ thể bất hợp lý nằm ở chính quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng Luật Giải phóng) nói với Đại Đoàn Kết rằng: “Bán đổi 100 USD thu lại được hơn 2,2 triệu đồng để chi tiêu cá nhân mà bị phạt đến 90 triệu đồng là quá vô lý. Đó cũng là nguồn cơn khiến dư luận, công luận quan tâm. Dù luật định đã rõ ràng, không sai. Quan trọng là không dễ giải thích cho người dân hiểu họ đang sai chỗ nào, hành vi mua bán ngoại tệ của họ đã phạm pháp ra sao.
Vì thế, cá nhân tôi cho rằng một quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền TP Cần Thơ là chưa có tiền lệ và thiếu thuyết phục. Hai nữa là rõ ràng, đang còn nhiều bất cập trong chính chế tài này và ba là, người thi hành công vụ ở đây đã quá máy móc, rập khuôn. Điều quan trọng nữa, nền tảng pháp luật đang bất cập bởi quy định chữ nghĩa chưa rõ ràng, khiến người thi hành luật tùy nghi áp dụng và đánh đồng tất cả mệnh giá ngoại tệ, mọi loại hình ngoại tệ… cùng một mức phạt là đương nhiên không thỏa đáng.
Bán 1 USD cũng bị phạt mức như bán cả triệu USD, đương nhiên là cùng vi phạm mà phạt như nhau, ai nghe lọt tai cho được! Vì vậy, qua câu chuyện này, mới thấy mọi phản ứng của dư luận đều có cơ sở, và chắc chắn pháp luật pháp lý cũng cần điều chỉnh, chỉnh lý sao cho phù hợp hơn”
Cùng chung quan điểm, Luật sư Hà Huy Phong (Công ty Luật TNHH Inteco) nói: Có thể nhìn thấy là quy định của pháp luật quá cứng nhắc, đưa ra một mức xử phạt quá cao mà không căn cứ và tính chất và mức độ vi phạm. Như vậy là không phân hóa được hành vi vi phạm và mức độ vi phạm để xử lý một cách tương xứng và phù hợp. Do ít khi được áp dụng rộng rãi nên phần lớn nhân dân không biết và không hiểu đầy đủ về quy định của Nghị định 96/CP nêu trên. Khi đưa ra áp dụng trên thực tế mới tạo bất ngờ và phản ứng từ dư luận.
Chúng ta có hệ thống các nghị định về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực và cách thức lập pháp chung là phân hóa mức độ và tính chất vi phạm để đưa ra chế tài xử phạt một cách tương xứng và hợp lý. Tuy nhiên, bản thân Nghị định 96 này chưa quy định được điều như vậy.
Việc lưu trữ và sử dụng ngoại tệ, đặc biệt là USD tương đối phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Từ trước tới nay, mặc dù có văn bản cấm và văn bản quy định về xử phạt nhưng hầu như không ai bị xử phạt nên quy định của văn bản pháp luật bị “mất thiêng”.
Thực tế hiện nay việc vi phạm như vậy là phổ biến. Cho dù có quy định pháp luật nhưng việc áp dụng pháp luật không hợp lý, không tạo ra sự công bằng và không hàm chứa sự trong sáng thì sẽ phản tác dụng, gây mất lòng dân.
Cần nhắc lại rằng: Việc xử phạt hành vi mua bán ngoại tệ trái pháp luật của ông Nguyễn Cà Rê ở thành phố Cần Thơ là đúng. Nhưng hình thức, cách thức như thế nào để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật thì cần cân nhắc.Thượng tôn pháp luật là đúng, là nghiêm, nhưng trong thực tiễn đời sống, cũng cần phải công bằng. Có thế thì mới đúng, mới nghiêm và mới “có uy”!