Vết thương khó lành

Mai Lê 28/10/2018 08:00

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ trẻ em bị cha mẹ bạo hành được trình báo.Từ đó, nhiều vụ việc trẻ em bị đánh đập dã man được phanh phui, trong đó có không ít trường hợp do cha mẹ thực hiện hành vi bạo lực.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi được báo cáo từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà. 20% trẻ em 8 tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường. Từ năm 2011-2015, 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo. Số liệu của Bộ LĐTBXH cho thấy trung bình mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức nghiêm trọng, cần được hỗ trợ, can thiệp. Báo cáo về can thiệp, hỗ trợ theo đường dây nóng phản ánh về bạo lực trẻ em, cứ 10 ca bạo lực, 6 ca là bạo lực thân thể. Trong đó, 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, gần 70% trẻ em thừa nhận bị bố mẹ đánh đập dưới nhiều hình thức.

Về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: Ở Việt Nam, những vụ bạo hành trẻ em phần lớn do người thân như cha mẹ, cô giáo, bảo mẫu gây ra. Nguyên nhân là bởi những người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kiềm chế và thiếu tôn trọng trẻ em.

Ông Nam cho biết những vụ bạo lực diễn ra trong gia đình thuộc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ có nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt là yếu tố tâm lý tình cảm của đối tượng bị xâm hại, khi trẻ bị xâm hại thường bị hoảng loạn cho nên ngoài biện pháp can thiệp theo quy định pháp luật thì còn cần căn cứ vào tâm lý của trẻ và thời gian để xử lý. Việc tách trẻ ra khỏi gia đình phải tùy thuộc vào diễn biến tâm lý, cũng như sự đánh giá về mức độ bạo hành về cả thể chất, tinh thần của trẻ. Trẻ em là nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong gia đình. Thiệt thòi của trẻ là vô cùng to lớn và sâu sắc, bởi lẽ nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của trẻ.

Dân gian có câu rằng “yêu thì cho vọt” và cho rằng đó là cách giáo dục hữu hiệu nhất để cho con họ phục tùng mọi ý kiến của họ và có thể sửa chữa được sai lầm. Cho đến nay, nhiều người làm cha mẹ vẫn coi việc hành hạ, đánh đập hoặc sử dụng các hình phạt dã man trẻ là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, họ đánh. Khi họ đang có sự buồn bực, lo lắng vì mưu sinh, họ đánh, khi họ có những điều không vui vì các mối quan hệ xã hội, họ đánh. Những cú đấm, cái tát đã xảy ra thường xuyên trong gia đình và được coi là hợp pháp. Chỉ có những vụ việc nghiêm trọng gây thương tật hoặc xảy ra tử vong thì mới bị luật pháp trừng trị. Tuy nhiên, không phải lúc nào luật pháp cũng xử đúng người, đúng tội, thậm chí trong nhiều trường hợp kẻ phạm tội chỉ bị phạt rất nhẹ.

Dù nhìn ở góc độ nào thì hành hạ trẻ em đều có tác động rất nặng nề cho xã hội, ảnh hưởng nhân cách của các em và có thể làm lệch lạc quan điểm sống khi trưởng thành.

Mai Lê