Sớm ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế
Theo tinh thần Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, vừa được Chính phủ ban hành, chậm nhất tới ngày 1/1/2020, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) phải thực hiện phát thẻ BHYT điện tử tới người tham gia BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, tới ngày 1/10/2018, cả nước hiện có 82,3 triệu người được cấp thẻ BHYT, trong đó cấp thẻ BHYT theo mã số bảo hiểm xã hội là 78,65 triệu người, đạt tỷ lệ 99% tổng số người tham gia đã có mã số BHXH.
Việc triển khai sử dụng thẻ BHYT điện tử được xem là một thay đổi rất mới trong việc giúp cho chế độ BHYT có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với việc khám chữa bệnh của mọi người. Nó có thể giúp cho người tham gia bảo hiểm có thể được khám chữa bệnh mọi lúc, mọi nơi chỉ với các thông tin cơ bản như mã số BHYT, họ tên, ngày tháng năm sinh hay số CMND là cơ sở khám chữa bệnh có thể tìm ra thông tin để có thể ghi nhận việc khám chữa bệnh là hợp lệ.
Theo ông Võ Khánh Bình - Trưởng Ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam, so với việc sử dụng thẻ BHYT như trước đây thì thẻ BHYT điện tử đã thể hiện được ưu điểm vượt trội của mình trong việc giúp cho người dân có thể thực hiện việc khám chữa bệnh hiệu quả nhất. Đồng thời, khi triển khai việc sử dụng thẻ BHYT điện tử, đó cũng là cách giúp cho cơ quan BHXH có được sự quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn. Cơ quan này có thể quản lý được việc người lao động chuyển nơi làm việc tiến hành trả thẻ tại công ty cũ và làm lại thẻ mới ở công ty mới một cách chính xác nhất.
Mục tiêu của việc sử dụng thẻ BHYT điện tử mà BHXH đề ra là nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung trên địa bàn cả nước. Từ việc này sẽ giúp BHXH Việt Nam có thể tiến tới các hoạt động giao dịch điện tử đối với các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó có thể nghiên cứu để thực hiện tích hợp thông tin các chế độ bảo hiểm vào một thẻ điện tử chung.
Tiến tới điện tử hóa thẻ BHXH, BHYT
Một trong những vấn đề mấu chốt để có thể triển khai ứng dụng thẻ BHYT điện tử là việc đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý nghiệp vụ BHXH, BHYT.
Theo đó, người dân khi sử dụng thẻ có thể tự quản lý được việc đi KCB của bản thân, tránh tình trạng thẻ BHYT giả hoặc bị người khác lấy trộm mã thẻ của mình để đi khám chữa bệnh. Để tạo thuận lợi cho người dân, đối với việc cấp lại thẻ bảo hiểm điện tử, cơ quan BHXH có thể phân quyền cấp lại tại bất kỳ cơ quan BHXH nào trong toàn quốc.
Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, thời gian qua ngành đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong BHYT. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, hiện thẻ BHYT đã không còn ghi thời hạn có hiệu lực của thẻ. Người tham gia BHYT, toàn bộ thông tin được ghi nhận lên hệ thống phần mềm, khi đi khám chữa bệnh, qua mã thẻ bệnh viện sẽ biết được thẻ còn hạn sử dụng hay không, nhóm hưởng nào...
Hiện hệ thống thông tin Giám định BHYT đã kết nối trên 12.000 cơ sở y tế cả nước. “Trong thời gian tới, BHXH sẽ điện tử hóa thẻ BHXH, BHYT, thậm chí người dân chỉ cần dấu vân tay, không cần sử dụng thẻ đã có thể sử dụng các dịch vụ BHYT”- ông Đức cho biết. Theo đại diện BHXH Việt Nam, phần mềm giám định BHYT giúp quản lý và theo dõi, giám định với 100% hồ sơ khám chữa bệnh. Cũng nhờ hệ thống này, các bác sĩ chỉ cần nhập mã thẻ bệnh nhân đã biết được toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh, các chẩn đoán, đơn thuốc đã dùng trước đó.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử như kế hoạch đề ra. Đồng thời, tổ chức khảo sát, thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn, lên phương án trang bị cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quản lý về BHYT liên thông cơ sở dư liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Về yêu cầu cụ thể, thẻ BHYT điện tử sẽ phải được tích hợp an toàn và giao dịch dữ liệu của ngành BHXH với các cơ sở dữ liệu của đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương có liên quan.