Xử phúc thẩm Hứa Thị Phấn và đồng phạm: Đến lượt ông Phạm Công Danh kêu oan
Ngày 29/10, dù kháng cáo quá hạn không được TAND Cấp cao tại TP HCM chấp thuận, tuy nhiên HĐXX vẫn chấp thuận cho ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB – nay là CB bank) được trình bày ý kiến để bảo đảm quyền lợi của mình.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Tại tòa, ông Danh cho rằng, nếu bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) được cơ quan tố tụng khởi tố sớm hơn, thì tội trạng của ông lẽ ra không bị nặng nề như hiện giờ. Do đó, ông Danh bày tỏ cảm ơn các cơ quan tố tụng đã làm sáng tỏ vụ án bà Hứa Thị Phấn, qua đó cho thấy vai trò của bà Phấn trong quá trình cố ý làm trái gây thiệt hại nhiều ngàn tỷ đồng ở TrustBank và VNCB.
Ông Danh muốn được cơ quan tố tụng tạo điều kiện để khắc phục các hậu quả, đã được cơ quan tòa án tuyên trước đó. Cụ thể, số tiền 3.660 tỷ đồng cùng với khoản tiền lãi mà ông Danh đã bỏ vào là với mục đích giải tỏa kê biên khối tài sản ra. Về ý kiến của ông Danh, trước đó các luật sư của ông Danh tại phiên tòa sơ thẩm cũng yêu cầu do bà Phấn nhận tiền nhưng không thể bàn giao 114 tài sản này cho ông Phạm Công Danh theo thỏa thuận, nên đề nghị HĐXX xem xét thu hồi toàn bộ số tiền này và giao cho VNCB, nay là CB bank quản lý và sử dụng vào việc đối trừ thiệt hại cho thân chủ của mình.
Bản thân ông Danh cho rằng, việc không được nhận lại khoản tiền hoặc tài sản này đã làm tổn hại đến quyền lợi của mình, cũng như gây khó khăn cho ông trong quá trình khắc phục hậu quả dân sự vụ án. Do đó, bị cáo Danh đề nghị “Nếu như thời điểm đó, các cơ quan tố tụng đã ghi nhận hành vi sai phạm của bà Phấn và đồng phạm, khởi tố vụ án sớm thì có lẽ tôi đã không bị thế này”.
Cũng tại phiên tòa này, các luật sư của Công ty Phương Trang tiếp tục tham gia tranh tụng về các khoản nợ của CB bank. Luật sư đồng ý với phần luận tội và đề nghị mức án, kể cả phần đề nghị dân sự của VKS liên quan đến Công ty Phương Trang. Trong đó, đại diện VKS đã đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của những người, cơ quan có liên quan đến Công ty Phương Trang và giữ nguyên án sơ thẩm về phần này.
Cụ thể, Công ty Phương Trang chỉ đồng ý được CB bank giải ngân khoản nợ 3.936 tỉ đồng. Theo luật sư Vũ Phi Long, một trong ba luật sư của Công ty Phương Trang đưa ra bằng chứng chứng minh Công ty Phương Trang thực nhận khoản tiền 3.936 tỷ đồng nói trên đều có những nguồn tài liệu, chứng từ, biên bản đối chiếu của các bên, lời khai nhận của các bị cáo và của những người có liên quan, diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm đã làm rõ.
Ngoài ra, một luật sư khác của Công ty Phương Trang là ông Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng, ngoài bà Phấn thì bị cáo Ngô Thị Ngân cũng có liên quan đến các khoản thiệt hại đối với VNCB qua việc bà này đã thừa nhận đã rút tiền mặt từ NHNN tổng cộng 36 lần, mỗi lần rút tiền không mang về nhập quỹ mà mang tiền lên phòng làm việc của bà Phấn. Ngoài ra, sau khi giao tiền cho Công ty Phương Trang thì phần còn thừa bị cáo Ngân đem về nộp quỹ ngân hàng nhưng không làm bảng thu về các khoản đó.
Về phía đại diện VKS cũng đưa ra các tranh luận lại với các luật sư bào chữa, trong đó tiếp tục bảo lưu quan điểm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn dân sự là CB bank và giữ nguyên các quyết định liên quan đến khoản nợ cùa Công ty Phương Trang mà bản án sơ thẩm đã tuyên. Trong khi cơ quan này cũng cho rằng hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm đã thể hiện bị cáo Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ của TrustBank để điều hành, chi phối, thâu tóm toàn bộ HĐQT cũng như lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, hoạt động thu chi,… tại ngân hàng này để chuộc lợi cá nhân.