Nóng cả chất vấn và trả lời chất vấn
Ngày 30/10, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày. Nhiều vấn đề nóng kéo dài từ đầu nhiệm kỳ nhưng chưa được giải quyết đã được các đại biểu tiếp tục chất vấn và yêu cầu các tư lệnh ngành làm rõ trách nhiệm.
ĐBQH Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) chất vấn tại Hội trường.
Tham nhũng dù giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp
ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã chất vấn 3 kỳ nhưng báo cáo nhìn nhận tham nhũng vẫn đang là vấn đề bức xúc. Bên cạnh tham nhũng lớn thì xử lý tham nhũng vặt cũng đang bộc lộ những hạn chế.
Giải trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, công tác PCTN thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn dân quan tâm, với quyết tâm cao của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nên có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp nên phải đẩy mạnh công tác phòng chống trong thời gian tới.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn tại Hội trường.
Nguyên nhân theo ông Khái là do những hạn chế trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; hệ thống pháp luật; công tác phòng ngừa phát hiện, xử lý. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ quyết tâm PCTN bằng nhiều giải pháp quyết liệt hơn, như đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật để cán bộ công chức và người dân nắm rõ pháp luật; xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện gắn với trách nhiệm của cán bộ nhà nước; nhanh chóng sửa đổi Luật PCTN, trong đó có nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế và các quy định xử lý, phòng ngừa, nhất là vấn đề kê khai tài sản, và xử lý tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.
Chưa hài lòng, ĐB Mão tranh luận và đề nghị làm rõ: “Dù thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhưng Ủy ban Tư pháp vẫn chỉ rõ tình trạng lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng lộ diện. Vậy giải pháp căn cơ nào để đẩy lùi doanh nghiệp sân sau ngày càng phát triển?”
Tại sao tạm đình chỉ điều tra tăng cao?
“Số lượng vụ án và bị can bị tạm đình chỉ điều tra trong thời gian qua ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân và giải pháp nào khắc phục tình trạng trên?” - ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018 đã tạm đình chỉ điều tra 2.411 bị can, tăng 13,92% so với năm trước. Đình chỉ điều tra 2.340 bị can, tăng so với năm trước 20%. Nguyên nhân theo Bộ trưởng là do thực hiện Bộ luật Hình sự mới 2015, trong đó có nhiều nội dung được đình chỉ như việc người bị hại tự nguyên hòa giải; tự nguyên rút đơn nên số bị can tạm đình chỉ tăng lên. Còn chủ quan thì trong số điều tra chiếm tỷ lệ nhỏ với 24 trường hợp, chiếm 0,75% do không phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hay hết thời gian mà không chứng minh được phạm tội. Các trường hợp này đang được đánh giá cụ thể, tiến hành xác định oan sai để bồi thường thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Hội trường.
“Thời gian tới Bộ Công an sẽ nâng cao năng lực cán bộ điều tra các cấp, đổi mới điều tra, bố trí phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình để kiểm soát, tăng cường kiểm tra thông tin tố giác tin báo tội phạm, tiếp tục thực hiện phòng ngừa sâu trong hoạt động điều tra, bức cung, nhục hình”-Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra giải pháp.
Xử lý kỷ luật kiểu “tặng quà”
Nhìn nhận thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó cho người dân, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm rõ vậy trách nhiệm như thế nào? Làm sao để gắn cải cách thủ tục hành chính với công tác tinh giản biên chế, sắp xếp hoạt động của bộ máy?
Giải trình trên cương vị Tổ trưởng Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện kỷ cương kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, tinh giản biên chế, công tác cán bộ, công tác tiếp công dân. Từ tháng 7 đến nay đã kiểm tra 12 đơn vị ,trong đó có 8 tỉnh và 4 bộ ngành. Qua kiểm tra đã chỉ ra việc chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật của Nhà nước tại 12 đơn vị, nhất là trong công tác quản lý,đề bạt, bổ nhiệm sử dụng cán bộ, công tác tiếp công dân. Qua đó yêu cầu các đơn vị sai phạm xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác bổ nhiệm, đề bạt, tuyển dụng cán bộ và đề nghị báo cáo việc xử lý lên Chính phủ, cũng như xem xét trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan đơn vị có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Hội trường.
Liên quan đến việc xây dựng bộ máy trong quá trình tinh giản biên chế, Bộ trưởng cho biết thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Chính phủ có xây dựng chương trình hành động và đưa ra lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021. Hiện các bộ ngành, địa phương đã có xây dựng kế hoạch. Tuy nhiên, việc tinh giản phải kết hợp với sắp xếp bộ máy, do đó có sự chậm trễ về mặt văn bản. Về thể chế, Bộ phải điều chỉnh 4 luật liên quan để thực hiện Nghị quyết 39, gần đây là Nghị quyết 18 cũng phải sửa đổi 12 nghị định, 30 thông tư về sắp xếp lại bộ máy. Hiện Bộ đang tập trung sửa đổi Nghị định 24 và nghị định 37 về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, sửa đổi Nghị định 123 về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, Nghị định 10 về cơ cơ cấu tổ chức và chức năng của các đơn vị thuộc Chính phủ.
Đề cập đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, theo Bộ trưởng Nội vụ, đây là vấn đề quan trọng. “Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu thực hiện công tác thanh tra kiểm tra, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng trong cải cách thủ tục hành chính, tổ chức hoạt động các ngành đẩy mạnh cải cách gọn nhẹ họat động hiệu quả; khẩn trương mô hình một cửa; thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, tinh giản sắp xếp lại bộ máy, Chính phủ điện tử; chính quyền điện tử”-Bộ trưởng cho hay.
Tuy nhiên ngay sau đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, trong các vi phạm, việc xử lý chỉ kiến nghị “rút kinh nghiệm” như vậy là không nghiêm trong công tác cán bộ. “Như tại tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch tỉnh bị kỷ luật được đưa về làm tổ trưởng giúp việc của Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở; còn tại Trà Vinh, Chủ tịch TP. Trà Vinh sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm thì tỉnh lại cho giữ chức Giám đốc Sở Công thương”-ông Nhưỡng nói đồng thời nhìn nhận: “Cảm giác xử lý ở trên thì nghiêm trọng nhưng ở dưới xử lý như tặng quà, cán bộ không có phẩm chất cần đưa ra khỏi bộ máy, chứ cách xử lý như vậy kiểu đánh bùn sang ao, cử tri cảm thấy không tin tưởng” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ.
3 lần bị thay đổi tội danh với bị cáo Hoàng Công Lương, vì sao? ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, hiện đang còn 11 nghìn tội phạm bị truy nã đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vậy giải pháp nào giải quyết vấn đề này? Trong vụ án chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình, bị cáo Hoàng Công Lương đã 3 lần bị thay đổi tội danh, vậy nhận định như thế nào công tác kiểm sát? Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Trả lời về vụ án liên quan tới bác sĩ Hoàng Công Lương đã 3 lần thay đổi tội danh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, đây là vụ án rất phức tạp, hậu quả rất nghiêm trọng với 9 người chết. Trách nhiệm của cơ quan tố tụng phải chứng minh được bản chất của tội phạm. Trong quá trình tố tụng, việc xác định tội danh, xác định khung hình phạt tối đa, tối thiểu có thể bị thay đổi khi xuất hiện những yếu tố mới, tình tiết mới, chứng cứ mới. Trong quá trình điều tra vụ án này có những bị can liên quan phản cung, tức là thay đổi lời khai, phát sinh, phát hiện những chứng cứ cần làm rõ. Việc điều chỉnh tội danh để đảm bảo bản chất của tội phạm để không oan, không lọt, đó cũng là điều đương nhiên của vụ án phức tạp. |
Quy định chưa hợp lý thì phải sửa Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ, mà Công an TP. Cần Thơ tiến hành khám nhà, tịch thu tài sản được cho là không rõ nguồn gốc, việc khám nhà có đúng luật hay không? Câu hỏi được ĐB Nguyễn Quang Tuấn nêu lên trong chất vấn. Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Ngày 31/1, Công an TPCần Thơ bắt quả tang Công ty của ông Lê Hồng Lực có hành vi thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Từ những căn cứ trên Công an TP Cần Thơ đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện, tang vật vi phạm hành chính tại nhà ông Lực. Qua khám xét, Công an TP Cần Thơ đã tạm giữ trên 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, trắng, đá hột, sổ sách và một số vật dụng khác. Ông Lực là chủ nhà nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, không có giấy phép mua bán ngoại tệ. Công an TP Cần Thơ đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt. Phía Công ty và gia đình ông Lực đã chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính, không có khiếu nại gì, khởi kiện gì quyết định xử phạt hành chính. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Vụ việc này gây bức xúc dư luận, mặc dù chúng ta có Nghị định quy định việc xử phạt nhưng tính chất của vụ việc chỉ là người dân đi đổi 100 USD chứ không phải kinh doanh gì. “Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sửa lại quy định này cho phù hợp. Với tính chất vụ việc và mức phạt, còn việc khám xét nhà phải theo quy định của pháp luật, phải thực hiện đúng thời gian, phạt hành chính gì mà 6 tháng sau hay 9 tháng sau mới ra quyết định, báo chí và dư luận xã hội rất quan tâm đến việc này. Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật, còn quy định gì chưa hợp lý thì phải sửa”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. |