Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình diễn ra với nhiều hình thức tâm linh và diễn xướng dân gian, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa.
Tổ chức lễ hội cầu ngư ở làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Ngày 31/10, ông Trần Vũ Khiêm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa của ngư dân các địa phương ở ven biển Quảng Bình. Hàng năm, thường vào dịp tháng Giêng, ngư dân tổ chức lễ tế cá ông, lồng ghép dưới hình thức lễ hội cầu ngư và ra quân đánh bắt vụ cá nam. Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình diễn ra với nhiều hình thức tâm linh và diễn xướng dân gian, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa.
Được biết trong đợt này, cùng với Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình; có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc các loại hình nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của một số địa phương trong cả nước.
Cụ thể, 7 di sản đó là: Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng (tỉnh Bến Tre); Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre); Hò Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp); Lễ bỏ mả của người Raglai (tỉnh Ninh Thuận); Lễ cấp sắc của người Sán Dìu (tỉnh Thái Nguyên); Pá Dung của người Dao (tỉnh Thái Nguyên); Soọng Cô của người Sán Dìu (tỉnh Vĩnh Phúc).