Cải cách nguồn thu, giảm áp lực cho ngân sách

Thúy Hằng 01/11/2018 06:12

Năm 2018, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước diễn biến khá tích cực. Kinh tế thế giới duy trì đà phục hồi; trong khi ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn kế hoạch (GDP 9 tháng ước tăng 6,98% so cùng kỳ; kế hoạch là 6,5-6,7%). Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức…

Dù nguồn thu được cải thiện khi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến tích cực hơn, nhưng theo nhìn nhận của giới chuyên gia tình hình ngân sách thực tế vẫn căng thẳng, đòi hỏi thực hiện các bước cải cách mạnh hơn nữa.

Cải cách nguồn thu, giảm áp lực cho ngân sách

Ảnh minh họa.

Giải ngân đầu tư phát triển chậm

Năm 2018, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước diễn biến khá tích cực. Kinh tế thế giới duy trì đà phục hồi; trong khi ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn kế hoạch (GDP 9 tháng ước tăng 6,98% so cùng kỳ; kế hoạch là 6,5-6,7%). Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đáng chú ý là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Trong nước, quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, áp lực lạm phát gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến khó lường,.. tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính NSNN năm 2018.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm vượt 3% so với dự toán, trong đó cả thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.

Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thu cao hơn mức ước thực hiện nêu trên, giảm tối thiểu số địa phương hụt thu, trong đó có cả những địa phương là những trọng điểm tăng trưởng kinh tế - đồng thời cũng là trọng điểm thu, có đóng góp lớn cho NSNN nói chung và ngân sách Trung ương nói riêng.

Chi NSNN 10 tháng ước đạt 72,4% dự toán; ước cả năm đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán. Chi đầu tư phát triển giải ngân chậm, 10 tháng đạt 55,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,7% dự toán); ước cả năm chỉ đạt khoảng 88,2% dự toán. Trong thời gian còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các công trình, dự án.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, tình hình ngân sách thực tế vẫn căng thẳng và Việt Nam cần thực hiện cải cách mạnh hơn nữa. Chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường cho rằng, hàng năm, ngân sách vẫn phải trả khoản nợ gốc không nhỏ nhưng ngân sách vẫn chưa có tích lũy để trả nợ. Bởi vậy, biện pháp nước ta vẫn dùng là đảo nợ, tức là vay để trả.

Phấn đấu tăng thu

Trong khi đó, tại cuộc hội thảo có nội dung về góc nhìn dự toán ngân sách vừa diễn ra, ông Phạm Đình Cường - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, chỉ ra một mâu thuẫn trong điều hành là cứ tăng thu bao nhiêu thì chi cũng tăng bấy nhiêu. Lẽ ra theo Luật NSNN, nếu có tăng thu thì giảm bội chi nhưng thực tế ta lại không giảm.

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính khẳng định, trong bối cảnh cụ thể hiện nay, có hai vấn đề lớn trong chi ngân sách đã được chỉ ra: Thứ nhất là kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách để đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu, phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, đồng thời sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không phải điều chỉnh giảm dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; rà soát số nợ thuế phản ánh đúng thực chất hơn; khẩn trương trình các cấp thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế.

Đối với năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc dự toán số thu sát thực tế hơn. Theo đó, dự toán thu nội địa từ sản xuất – kinh doanh năm 2019 dự kiến tăng 12,8%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6%-6,8% và lạm phát khoảng 4%. Đối với 16 địa phương có điều tiết về Trung ương, dự toán thu năm 2019 tăng bình quân khoảng 13,1% so với năm 2018.

Thúy Hằng