Tạo bước đột phá về thủ tục hành chính

M.L. 01/11/2018 14:34

Đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án  Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng: Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này sẽ góp phần xóa bỏ cơ chế xin cho, loại bỏ những giấy phép không phù hợp với cơ chế thị trường, qua đó tạo bước đột phá về thủ tục hành chính…

Tạo bước đột phá về thủ tục hành chính

Chiều 2/11, theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (dự Luật). Ngay trước phiên thảo luận Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ có tờ trình gửi đến Quốc hội giải thích rõ hơn về dự án luật này.

Tờ trình nêu rõ việc xây dựng dự Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 10-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng, một nguyên tắc được Chính phủ nêu trong tờ trình đó là, đảm bảo thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 1 luật có liên quan đến quy hoạch số 28/2018/QH14.

Chính phủ nhấn mạnh: Chỉ sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan đến quy hoạch; sửa đổi tên các quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với danh mục quy hoạch ngành quốc gia. Bên cạnh đó, dự Luật được kỳ vọng, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu về quản lý Nhà nước của các ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo như tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sẽ sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông (Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải); một số điều của các luật thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường (Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển…); một số điều của các luật liên quan đến nông nghiệp; một số điều của các luật liên quan đến lĩnh vực khoa và công nghệ; một số điều của các luật liên quan đến thông tin và truyền thông; một số điều của các luật liên quan đến xây dựng; một số điều của các luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, công thương, lao động…

Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh quan điểm: Việc sửa đổi các luật này để đảm bảo đồng bộ với Luật quy hoạch, do đó, không đề xuất các chính sách mới so với các chính sách đã được đánh giá và thông qua tại Luật Quy hoạch.

Dự án Luật đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành có nội dung quy định về quy hoạch, về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng: Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này sẽ góp phần xóa bỏ cơ chế xin cho, loại bỏ những giấy phép không phù hợp với cơ chế thị trường, qua đó tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.

Còn nhớ, trong một phiên họp của TVQH hồi tháng 3 năm nay, ngay trước khi Quốc hội thông qua Luật quy hoạch tại kỳ họp thứ 5, nhiều thành viên Chính phủ vẫn còn những ý kiến trái chiều về dự án Luật Quy hoạch. Thậm chí vào thời điểm đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đại diện cho cơ quan thẩm tra còn bày tỏ: “Chúng tôi thẩm tra luật trên cơ sở Chính phủ trình, còn giưa các cơ quan của Chính phủ cứ thay đổi như thế này rất khó làm”.

Giờ Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch và đang chuẩn bị trình dự Luật để sửa đổi các quy định liên quan thì các ngành liên quan có ý kiến gì?

M.L.