Giữ bằng được 'biến số độc lập' trong đạo đức

Trung Hiếu (thực hiện) 02/11/2018 08:00

Tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội gây “nóng” phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Để có cái nhìn cặn kẽ và thấu đáo về vấn đề này, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Bình tĩnh, không hoảng hốt- ông đã có những kiến giải, đưa ra những phương thức ứng xử phù hợp để xây dựng một nền tảng văn hóa, đạo đức chuẩn mực của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Giữ bằng được 'biến số độc lập' trong đạo đức

Ông Đỗ Quang Hưng.

PV: Tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội tiếp tục gây “nóng” phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Ở góc nhìn của một người nhiều năm gắn bó với giáo dục, ông nhìn nhận về thực trạng này như thế nào?

Ông Đỗ Quang Hưng: Trước khi nói về nguyên nhân xuống cấp đạo đức của cá nhân, gia đình, xã hội tôi cho rằng chúng ta hãy bình tĩnh nhìn lại để nhìn nhận thực trạng này như thế nào.

Ở thời điểm hiện nay, một xã hội đang chuyển mình như Việt Nam thì việc chúng ta tạm gọi là “xuống cấp về đạo đức” là điều dễ xảy ra.

Có thể lý giải, chúng ta chuyển từ một xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại, kéo theo sự thay đổi của chuẩn mực đạo đức cá nhân cũng cao hơn, khác trước hơn. Rồi chuẩn mực của đạo đức xã hội lại càng có những phức tạp và khó khăn hơn.

Chính vì vậy phải nhìn nhận một cách khách quan. Mọi xã hội đang chuyển mình đều phải trả giá, kể cả trả giá về đạo đức. Ví như về phương diện tiêu chuẩn đạo đức cá nhân, nếu trước đây người ta đòi hỏi sự trung thực, nó được chuẩn mực rõ, nhưng bây giờ đạo đức cá nhân phức tạp hơn nhiều.

Cụ thể hơn nữa trong tình hình phức tạp hiện nay sự trung thực của người thầy với nghề nghiệp cũng đã khó hơn trước rất nhiều.

Những biến động trong nghề nghiệp khiến giáo viên dạy hai giáo án. Đạo đức xã hội cũng thế thôi. Chúng ta đánh giá chuẩn mực đang đi xuống nhưng cố gắng nghĩ rằng có những cái đúng là đang đi xuống thật nhưng có những cái là sự biến diễn của một xã hội đang chuyển mình. Có thể là nó chưa ổn nhưng đã nghĩ ngay là xuống cấp thì có nên chăng? Phải tính toán và theo dõi để nhìn nhận bức tranh về đạo đức một cách đa chiều hơn, hiện thực hơn nữa.

Đạo đức xã hội đang có những vấn đề nhưng phải chăng chúng ta chưa “định vị” được thực sự cái gì đã xuống cấp, cái gì thuộc về nguyên nhân khách quan, thưa ông?

- Phải nhìn nhận thực tế, có những mặt đạo đức đang xuống cấp thật sự. Tất cả chúng ta đều trưởng thành từ trẻ thơ, bắt nguồn từ gia đình. Tuy nhiên không phải mọi thứ đều thuộc về trách nhiệm gia đình.

Hiện nay bản thân gia đình cho dù những gia đình trí thức đi nữa cũng có những khía cạnh bất cập, thậm chí bất lực không giải quyết được như mong muốn đối với con cái về phương diện đạo đức.

Xã hội đang biến đổi không ngừng, những phạm trù đạo đức cũng biến đổi theo. Nếu khu biệt hóa một cách tương đối, xã hội nào cũng thế. Đối với khu vực đạo đức tự nhiên của đứa trẻ, gia đình phải có trách nhiệm để hình thành một con người chuẩn mực bình thường.

Nhưng hiện nay phải chăng cũng có những vấn đề về kinh tế. Bản thân giáo dục của trẻ em bây giờ ngày càng phức tạp, nhu cầu lớn mà bản thân gia đình vì lý do nào đó không đáp ứng được cũng là nguyên nhân.

Những tiêu chí về đạo đức của đứa trẻ trong thời bây giờ có những tiêu chí mới đã vượt ra khỏi gia đình. Một sự thay đổi rất lớn. Bố mẹ đẻ con ra nhưng không kiểm soát được. Đây chính là lý do quan trọng và chiếm tỷ lệ không nhỏ trong sự thành bại giáo dục của gia đình.

Sự phát triển của xã hội đã vượt qua phạm vi hiểu và trình độ của gia đình trong giáo dục đạo đức của một con người. Vậy còn giáo dục của nhà trường, thưa ông?

- Chúng ta bàn nhiều về trách nhiệm và vai trò của nhà trường để hình thành phát triển đạo đức của một con người. Cùng với gia đình khi đứa trẻ lớn lên vai trò của nhà trường là quá quan trọng. Một đứa trẻ phải mất 12 năm trong nhà trường phổ thông rồi vào đại học. Đây là cái nôi quan trọng trong hình thành văn hóa, đạo đức. Tuy vậy, việc giáo dục đạo đức của học sinh bên cạnh tiêu chí bắt buộc phải đảm trách thì đối với nhà trường thách thức còn lớn hơn rất nhiều, phức tạp hơn.

Đặc biệt trong cuộc sống của giới trẻ bây giờ, ngay từ những năm cuối phổ thông cũng khác trước rất nhiều. Nhu cầu về đạo đức, nhận thức về đạo đức và hành xử đã quá khác. Bên cạnh những “biến số độc lập” về đạo đức thì những “biến số phụ thuộc” như thời đại hoàn cảnh, tình hình xã hội thay đổi quá lớn khiến cho nhà trường lại một lần nữa cũng rơi vào tình cảnh bất cập, thậm chí bất lực.

Từ những nhìn nhận trên, chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn nền tảng văn hóa, đạo đức con người Việt Nam?

- Câu chuyện văn hóa và đạo đức con người tưởng cũ nhưng rất mới và phức tạp. Đảng, Nhà nước cũng đã có những quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta cần có một cách nhìn, một nghiên cứu về đạo đức, văn hóa đạo đức, nhất là nhận thức của mỗi con người, gia đình, xã hội về văn hóa đạo đức, đặc biệt là những chuyển biến của văn hóa đạo đức đối với con người cũng như xã hội.

Nhận thức để chúng ta có thể khu biệt được cái gì là “biến số độc lập” trong đạo đức không bị phụ thuộc vào bất cứ thứ gì để chúng ta phải “khoanh” và cố mà giữ lấy cho bằng được. Còn đối với những “biến số phụ thuộc” chúng ta cũng phải lường trước được những khó khăn để ứng xử cho phù hợp.

Việc giáo dục và vun đắp đạo đức có nhiều cơ chế từ gia đình, nhà trường, trách nhiệm giáo dục của xã hội. Trong một cấu trúc xã hội nước ta đang chuyển mình còn nhiều khó khăn và dễ xung đột nhau cần có một nghiên cứu làm sao tạo được sự hài hòa, phù hợp hơn nữa giữa những thiết chế giáo dục này đối với một con người ở cả ba cấp độ gia đình, nhà trường và xã hội.

Trong thời điểm hiện tại, cần bình tĩnh không hoảng hốt. Chúng ta không lờ đi hoặc chỉ phê phán những cái xấu mà phải lan tỏa được những cái tốt, cái đẹp trong xã hội để trong quá trình đất nước đang chuyển mình mỗi con người không bị mất thăng bằng, bị chế ngự bởi sự vô luân, phi đạo đức.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trung Hiếu (thực hiện)