Những mảnh đời mưu sinh trên ghe
Ánh nắng chiều phản chiếu trên những khúc sông soi bóng những mảnh đời mưu sinh bằng nghề “bà cậu” (nghề mưu sinh trên ghe, thuyền). Cuộc đời của họ cứ thế trôi theo con nước, lấy xuồng vừa làm nhà, làm phương tiện mưu sinh, lênh đênh theo con cá, con tôm sống qua ngày…
Công việc mưu sinh bằng nghề “bà cậu” thường bị nắng ăn lưng, nước ăn chân.
Nắng cháy lưng, nước ăn chân
Có dịp theo chân ông Trần Thanh Phương (Tư Ẩn), 50 tuổi , ngụ ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, giăng lưới từ sáng đến trưa mà chỉ được vài con cá lèo tèo, khuôn mặt thô ráp vì nắng khiến cho ông già hơn tuổi 50 rất nhiều.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tư Ẩn cho biết, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, ông làm đủ thứ nghề từ giăng câu, thả lưới, đặt lú ven sông vì nhà ông không có đất nên chiếc xuồng ba lá là phương tiện vừa là bạn là nhà cho tới tận bây giờ. Cầm chiếc lưới 3 mành bên dòng sông để chỉ cách thả lưới, tuy không còn nhanh nhẹn như thời trai trẻ nhưng ông rất am hiểu về cách buông lưới và cách thả dưới lòng sông như thế nào để thu hoạch nhiều cá, tôm, thậm chí ông còn thấy được dưới dòng nước chỗ nào có cá, chỗ nào không.
Nhìn màu nước tháng 10 phù sa đổ về vàng đục, ông khẳng định chắc nịch: “ Tháng này cá ra sông nhiều, thả lưới thời điểm này sẽ thu hoạch khá. Lũ năm nay lớn tui buông vài mẻ lưới dính nhiều nhất cá mè vinh, cá linh, cá dãnh, có khi được vài ký tôm càng.. thu nhập bình quân khoảng 200.000 đồng/ ngày”.
Theo ông Tư Ẩn, nghề thả lưới coi vậy cũng không dể ăn chút nào. Thả lưới phải vào thời điểm giữa trưa ánh nắng càng gắt, tàu bè ít qua lại thì mới dễ trúng cá, tôm. Còn đi sáng sớm dễ bị chân vịt tàu thuyền mắc lưới làm rách lưới coi như không dính cá mà còn lỗ vốn.
“Ngặt nỗi thả lưới giữa trưa dễ bị cảm và nước ăn chân, vì khi thả lưới phải dùng chân ổn định xuồng nên phải ngâm chân vài tiếng đồng hồ dưới nước dễ bị nước ăn chân đau nhức suốt ngày” - ông Tư Ẩn chia sẻ.
Lắm cơ cực
Các con sông, kênh rạch coi vậy chứ cũng vớt vát được nhiều cảnh đời khó khăn. Ngoài những người mưu sinh bằng nghề thả lưới trên sông, còn bắt gặp những cảnh đời lặn hụp dưới dòng nước chảy xiết; đó là nghề cào ốc, nghêu.
Phải ngụp lặn hàng giờ đồng hồ xuống sâu để cào các con hến, nghêu, ốc, công việc này nhiều người cũng đã tính làm nhưng đều ngán ngẩm sau vài ngày ngâm mình dưới nước. Vậy mà vợ chồng ông Phan Văn Phên (45 tuổi), ngụ ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, chục năm qua vẫn ngụp lặn với nghề.
Ông Phên chia sẻ: “Mỗi người chọn cho mình một nghề, gia đình không có đất đai, ruộng vườn lại đông con, cũng ráng mà làm. Tôi cũng làm đủ thứ nghề, rồi đành chọn nghề này. Bởi thế nghề cào này đã ăn sâu vào máu của tụi tui”.
Không làm ông mất thời gian vừa nói chuyện nhưng vẫn để ông làm việc, đây cũng là cơ hội để chúng tôi quan sát nghề của ông Phên. Nhìn ông như con rái cá, ngoi lên ngụp xống, cơ thể ông rắn chắc nhanh nhẹn, nhưng khuôn mặt thì khắc khổ. Chiếc xuồng ba lá là phương tiện duy nhất để ông mưu sinh.
Theo chân ông khoảng chừng một giờ đồng hồ, số lần ông Phên lặn ngụp xuống dòng nước không biết bao nhiêu lần, nhưng cũng thu hoạch được khoảng 10 kg ốc, hến, ngao các loại…
Ông Phên cho biết, một ngày ông thu hoạch khoảng từ 20 kg ốc, có hôm thì nhiều hơn, thường thương lái thu vào khoảng 4.000 đồng/kg, trừ chi phí nếu thuận lợi cũng được cũng hơn 200.000 đồng/ ngày.
“Thời gian này lũ về nên vợ chồng tranh thủ mua thêm vài tay lưới, buổi ngày cào, khi màn đêm buông xuống tui cùng vợ thả lưới để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, nếu nguồn cá, ốc cạn kiệt chắc vợ chồng tui di cư qua các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, hoặc lên các vùng giáp biên của tỉnh nhà để mưu sinh.” - ông Phên bộc bạch.
Đây chỉ là 2 trong hàng trăm, hàng nghìn trường hợp vẫn đang ngày đêm ngụp lặn mưu sinh theo con nước, nghề mà người dân vùng đất Nam Bộ hay dùng từ “bà cậu”. Cuộc đời mưu sinh của họ gắn chặt với chiếc ghe, xuồng, dòng sông lúc hiền hoà, lúc dữ tợn, nghề này tuy cơ cực nhưng họ vẫn gắn chặt để mưu sinh.