Buồn thay, ứng xử học đường!

Minh Quang 02/11/2018 08:00

Xúc phạm thầy cô trên facebook, các học sinh THPT tại Thanh Hóa đã bị đuổi học. Nhưng ngày 1/11, tức là khoảng 1 tuần sau quyết định đó, Sở GDĐT Thanh Hóa đã yêu cầu nhà trường thu hồi quyết định kỷ luật các học sinh vi phạm đồng thời làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân thầy cô trong trường.

Có lẽ đây không phải lần đầu tiên những vụ việc đại loại như thế này được nhắc tới. Nhưng điều đáng buồn nhất là sự xuống cấp của văn hóa ứng xử học đường vẫn tái diễn trầm trọng khi mà Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” vừa chính thức được phê duyệt. Và chiểu theo tinh thần Đề án này, 100% trường học phải xây dựng bộ Quy tắc văn hóa ứng xử.

Tất nhiên, cho đến thời điểm này Bộ GDĐT vẫn chưa chính thức ban hành bộ khung quy tắc ứng xử trong trường học. Nhưng xét trên thực tế, nếu chỉ kỳ vọng vào quy định có tính chất hành chính, chắc sẽ khó làm thay đổi những ứng xử trong môi trường học đường. Mỗi ngày đến trường đã thực sự là một ngày vui? Đây đang là băn khoăn của dư luận xã hội, bởi những ứng xử thiếu văn minh đang khiến môi trường học đường giờ đây ít nhiều tiềm ẩn sự bất an.

Văn hóa ứng xử, nhìn từ góc độ học đường đã được các chuyên gia phân tích sâu từ nhiều phía. Ứng xử giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa phụ huynh và thầy cô giáo. Cùng với đó là những tác động từ cuộc sống xã hội tới môi trường văn hóa học đường hôm nay. Tựu trung, nó chính là tam giác liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Chỉ cần một trong ba mắt xích ấy lỏng lẻo, lập tức những giá trị cốt lõi trong ứng xử sẽ lung lay và có nguy cơ đứt gãy bất kỳ lúc nào. Những trao đổi từ giáo viên cho thấy, giờ đây trong môi trường giáo dục, các thầy cô giáo đang phải chịu nhiều áp lực. Trong đó một áp lực không nhỏ đến từ chính phụ huynh và xã hội.

Nhịp sống đổi thay cũng đã khiến quan niệm về mối quan hệ thầy trò nay đã khác xưa. Sự dân chủ là cần thiết, nhưng đôi khi nếu thái quá trong môi trường học đường, sẽ dẫn đến hiệu ứng dư luận. Đơn cử, chỉ cần một hành động nhỏ thôi của thầy cô bị trò phản ứng, lập tức những thông tin ấy tràn lan mạng xã hội hoặc trên báo chí.

Lên tiếng về những lệch lạc trong ứng xử với học trò, có những ý kiến đóng góp nên bắt đầu chú trọng từ cách xưng hô giữa thầy cô giáo và học sinh; từ sự gương mẫu của người thầy; từ tình yêu thương, lòng bao dung để bỏ qua những lỗi lầm của học trò cá biệt. Có thầy giáo về hưu đã chia sẻ, khi còn dạy học, nếu những học trò cá biệt làm ông bận tâm, ức chế bao nhiêu, thì khi ông đã rời bục giảng- chính những trò cá biệt nhiều chục năm về trước lại là những người bạn tâm giao thân thiết nhất. Bởi chính lòng bao dung của ông giáo nhiều chục năm trước đã níu kéo trò hư trở thành những người có ích cho xã hội. Những chia sẻ từ thầy cô giáo cũng cho thấy, giáo viên luôn muốn phụ huynh tin tưởng và tôn trọng họ, không tham gia quá nhiều nhưng cũng không phớt lờ cuộc sống ở trường của học sinh. Song thực tế, phụ huynh luôn cho rằng con họ hoàn toàn đúng và chỉ có giáo viên mới sai. Nhiều thầy cô bây giờ sợ phụ huynh lắm, vì vậy giáo viên chỉ mong được nghỉ hè, thậm chí có người còn mong sớm được nghỉ hưu để thoát khỏi nỗi sợ hãi phải đối mặt với phụ huynh.

Cho dù những quan niệm về mối quan hệ thầy trò nay có thay đổi đến thế nào chăng nữa, để những ứng xử học đường thực sự văn minh, cả người dạy và người học đều không nên quên triết lý sư phạm “Tiên học lễ - hậu học văn”. Nếu không chú trọng dạy - học lễ nghĩa, học đạo làm người, hoàn thiện nhân cách từ khi còn trên ghế nhà trường, thì sự nghiệp trồng người vẫn chưa toàn diện, chưa thể thành công. Chính vì lẽ đó mà việc các học sinh dùng mạng xã hội để lập hội, nhóm nói xấu thày cô giáo của mình, nói xấu nhà trường, nguy hiểm hơn nữa là dùng mạng xã hội là công cụ để xử lý những xích mích cá nhân thì đúng là cần phải gióng lên một hồi chuông báo động về ứng xử học đường.

Giờ đây, mong muốn của các chuyên gia là ngành GDĐT sớm hoàn thiện một Bộ quy tắc chuẩn trong ứng xử học đường. Cho dù trên thực tế, không phải cho đến thời điểm này, ngành giáo dục mới quan tâm tới văn hóa ứng xử nói chung và ứng xử học đường nói riêng, mà việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được ngành GDĐT triển khai từ lâu dưới nhiều hình thức. Dẫu thế, vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong văn hóa ứng xử ở môi trường giáo dục cần được lấp đầy. Có như vậy môi trường giáo dục sẽ trở nên nhân văn hơn, để mỗi ngày đến trường với thày và trò thực sự đong đầy ý nghĩa.

Minh Quang