Giải cơn khát kịch bản sân khấu
Ngày 1/11, tại Trại sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã khai mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2018. Hội trại kéo dài đến 14/11.
Khai mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2018.
Trong thời gian này, 15 tác giả sẽ hoàn thành 15 kịch bản sân khấu như tuồng, chèo, kịch nói, cải lương… với các đề tài về danh nhân lịch sử, ký ức chiến tranh, tình yêu, khát vọng vươn tới hạnh phúc, bảo vệ chủ quyền biển đảo và những vấn đề có tính đương đại, những vấn đề xã hội mà cộng đồng quan tâm.
Bên cạnh đó, chủ đề công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu… sẽ là những chất liệu hay để các nhà biên kịch ấp ủ những đề tài mới, cho ra đời những vở diễn gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, việc đến với trại viết cũng là cơ hội để các nghệ sĩ sân khấu trải nghiệm thực tế, thâm nhập đời sống sinh hoạt của đồng bào nhân dân các dân tộc ở Đại Lải, Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ: “Hiện nay, các tác phẩm liên quan đến đời sống xã hội rất hiếm, đặc biệt là thiếu vắng các tác phẩm mang xu hướng hiện đại, đề cập đến các vấn đề mang tính trực diện xã hội…”.
Ông Thọ cũng cho biết, chỉ trong năm 2018, Hội đã tổ chức 3 trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Bắc Ninh và nay là Đại Lải (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, nhiều tác phẩm do gặp khó khăn về quỹ thời gian, thiếu được truyền thông bài bản, vì vậy khó lôi kéo sự quan tâm của khán giả, gây lãng phí. Bằng phương pháp chia tổ thảo luận, các tác giả sẽ cùng đọc tác phẩm cho nhau nghe, trao đổi ý tưởng, đóng góp ý kiến, sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm, nâng tầm nội dung tư tưởng nghệ thuật cho từng kịch bản. Qua đó, học hỏi lẫn nhau về tư duy sáng tạo, trau dồi kỹ năng viết để cho ra đời những kịch bản hay, tạo ra những vở diễn có giá trị nghệ thuật cao, đóng góp xứng đáng cho nền sân khấu nước nhà.
“Hy vọng, sau trại sáng tác, các tác giả có được các tác phẩm với cấu trúc, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ thời đại mới. Hội cũng tạo mọi điều kiện cho các tác giả hoàn thiện tác phẩm với bút lực mới nhanh chóng đưa vào dàn dựng tại các đơn vị nghệ thuật”- ông Thọ bày tỏ.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu cũng đã bày tỏ băn khoăn việc nhiều tác phẩm được hoàn thành tại trại sáng tác nhưng sau đó bị “đắp chiếu”. Ở đó, một bất cập hiện nay là nhà sáng tác chỉ đóng vai trò “bà đỡ”, âm thầm đứng sau sự ra đời của mỗi tác phẩm. Hội văn học nghệ thuật chịu trách nhiệm đánh giá, nghiệm thu tác phẩm qua mỗi trại sáng tác. Còn việc dàn dựng và phổ biến tác phẩm lại do các đơn vị nghệ thuật, nhà xuất bản. Chính điều này dẫn đến chưa tạo được sự lan tỏa rộng lớn, hấp dẫn cho các trại sáng tác.
Về vấn đề này, NSƯT Trần Mạnh Cường - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật cũng bày tỏ: “Đội ngũ sáng tác kịch hát dân tộc hiện không còn nhiều, do đó vấn đề đặt ra là Hội Nghệ sĩ Sân khấu cần tiếp tục duy trì đào tạo đội ngũ sáng tác mảng này, mở rộng hơn nữa các hoạt động sáng tác nghệ thuật truyền thống, bổ sung đa dạng nhiều góc tiếp cận khác nhau cho các tác phẩm đề tài này, nhằm phục vụ nhân dân cả nước và kiều bào nước ngoài”.
Cũng theo ông Cường, hiện nay cả nước có gần 40.000 văn nghệ sĩ, mỗi trại sáng tác tổ chức cho 15 người, nếu tính quay vòng, nhanh cũng phải 30 năm văn nghệ sĩ mới được tham gia trại sáng tác lần thứ hai (do cùng một Hội tổ chức). Tiêu chí duy nhất đối với văn nghệ sĩ là đi để sáng tạo, sáng tạo tập thể. Mỗi người đem tác phẩm của mình ra đọc cho mọi người nghe và góp ý, từ đó phát triển ý tưởng. Còn nhiệm vụ của các nhà sáng tác chúng tôi là phục vụ hết mình để cho ra đời những tác phẩm tốt nhất. Ngoài công việc sáng tác, văn nghệ sĩ cũng phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Nhà văn bươn bả làm báo, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, có người làm công tác quản lý, kinh doanh... Bởi vậy, việc sáng tác nhiều khi không thể liền mạch.
Bộ VHTTDL thành lập Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật và xây dựng mô hình nhà sáng tác để giúp văn nghệ sĩ thoát khỏi cảnh bộn bề thường nhật, chuyên tâm sáng tạo. “Mỗi trại sáng tác được mở với sự tham gia của 15 văn nghệ sĩ, giúp họ có khoảng nửa tháng “nằm lỳ” tại đây để “nhào nặn” tác phẩm. Trại sáng tác văn xuôi, trường ca, tiểu thuyết thì phải bố trí quãng thời gian tập trung lên đến 2, 3 tháng, nhưng cũng có trại sáng tác chỉ diễn ra trong vài ngày, như đối với âm nhạc, nhiếp ảnh…”- NSƯT Trần Mạnh Cường nói.