Góc nhìn chuyên gia: Ảnh hưởng tích cực của quy hoạch xây dựng tỉnh
Chiều nay 2/11, Quốc hội sẽ bàn Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch. Để làm rõ hơn nội hàm của quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh - một vấn đề đã được ban soạn thảo bóc tách tại dự thảo lần này, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến chuyên gia.
Ảnh minh họa.
Một trong những ngành chịu nhiều tác động của dự Luật như ngành xây dựng và các địa phương có ý kiến gì với dự thảo Luật sửa đổi lần này. Trong khi Chính phủ muốn giữ lại quy hoạch này thì cũng có ý kiến cho rằng nó không thực sự cần thiết. Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia cho rằng, cần thiết phải tồn tại cả Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch xây dựng cùng trên một tỉnh.
Bởi, “chúng ta đều biết rằng, quy hoạch xây dựng tỉnh (mà trước đây gọi là quy hoạch xây dựng vùng tỉnh) là công việc đã được chúng ta thực hiện trong nhiều năm, rất ổn định. Quy hoạch này bản chất vừa là một quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành lại vừa có tính tích hợp cao. Đó là hoạch định ra hệ thống, quy mô, hình hài đô thị, vị trí và quy mô các khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các vùng bảo tồn, các vùng sinh thái… và đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường xá, các công trình đầu mối như nhà ga, bến xe, sân bay, hồ đập, khu xử lý chất thải rắn…). Đây là một quy hoạch dựa trên những tính toán chi tiết về kinh tế và kỹ thuật do vậy nó là công cụ rất tin cậy để tiến hành quản lý và đầu tư tất cả các cơ sở hạ tầng kinh tế trong tỉnh cũng như trong đô thị”, ông Hưng nói.
Còn, “việc lập chính sách phát triển của một tỉnh cũng có các tầng bậc rõ ràng. Tầng bậc kinh tế tổng hợp được bàn thảo dựa trên các tổng kết kinh tế đa ngành, vĩ mô, đó là lớp chính sách phi vật thể. Lớp chính sách đó mang tính quyết định tổng quát. Quy hoạch tỉnh là công cụ phục vụ việc ra quyết sách ở tầng bậc đó. Đây là Quy hoạch thiên về chính sách tổng thể về kinh tế - xã hội phi vật thể”.
Ông Hưng cũng nêu quan điểm: Sự cùng tồn tại của hai tầng bậc quy hoạch này phản ánh chính xác sự phân tầng trong việc ra chính sách. Điều này chứng minh rằng hai thể loại quy hoạch này hỗ trợ nhau một cách hiệu quả. Tầng bậc rõ ràng kèm theo tạo cơ chế linh hoạt là cách thiết lập thể chế hiệu quả phù hợp với sự thay đổi liên tục của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi của khoa học công nghệ.
Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thành Hưng, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh thêm: Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch có đề xuất Quy hoạch xây dựng tỉnh không trái với Luật Quy hoạch và không trái các luật khác. Nó chỉ là cụ thể hóa 1 cách tiếp cận rất khoa học và đồng bộ. Tôi tán thành phải có Quy hoạch xây dựng tỉnh đưa ra trong Luật Quy hoạch lần này.
Còn ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, sau khi chỉ ra thành công của Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh - một quy hoạch đã giúp định hướng cho sự hình thành 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung trên nhiều địa bàn thuộc tỉnh và nhiều KCN hiện đã đón nhà đầu tư nước ngoài , ông Tài khẳng dịnh đó là nhờ sự ảnh hưởng tích cực của quy hoạch xây dựng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.