Người truyền cảm hứng
Tôi vốn là sinh viên Văn khoa Sư phạm, trong những năm trụ ở thành phố, tôi cũng có cơ duyên dạy ở 1 trường dân lập tại Hà Nội. Ai bảo học khó như toán, dạy khó như văn quả chẳng sai chút nào. Nào là nói rát hơi, gào bỏng cổ, căng mắt ra chấm bài này nọ, uốn từng câu từng chữ cho học sinh thân yêu của mình… Nhưng cái buồn nhất chính là chuyện học sinh giờ không thích học văn. Chúng chỉ bị ép buộc học môn này bởi phải thi tốt nghiệp.
Thế nên, có khi cả tiết giảng cô cứ độc thoại nội tâm, còn học trò có thể chúng chăm chăm nhìn lên bảng nhưng chắc gì đã lọt được chữ nào vào trong đầu. Tôi sau một kỳ thử sức với nghề, đã chọn rẽ sang một hướng đi khác.
Nghề dạy học đã hết duyên nhưng chưa hết nợ với mình. Số là tôi có cậu con trai chuẩn bị thi vào cấp 3, mang tiếng là con nhà cô giáo dạy văn mà đọc văn của cu cậu thật là thảm họa. Tóm lại, con tôi không đạt học sinh giỏi chỉ vì môn Văn. Thế nên, dù muốn, dù không tôi vẫn phải phụ đạo cho cháu. Đó là chuyện ở nhà.
Cách đây độ một tháng đọc bải văn của con bày tỏ cảm xúc về loài cây mà em yêu tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc được những suy nghĩ rất thật, rất đời của cậu. Hóa ra, cu cậu may mắn gặp được cô giáo dạy văn không chỉ yêu nghề, hết lòng vì học trò mà rất biết cách truyền cảm hứng cho các con. Theo đó, mỗi bài văn của các con, cô nhận xét tỉ mỉ từng lỗi một của con, giảng giải cho các con và khuyến khích con viết lại theo cái cách hiểu của mỗi con. Với học sinh có tiến bộ dù chỉ một chút hoặc quá yếu cô sẽ gọi cho phụ huynh yêu cầu phối hợp giúp con tiến bộ.
Ngoài những bài giảng mang tính khuôn mẫu trên lớp, cô còn lấy rất nhiều ví dụ sinh động để học sinh thấu hiểu vì sao lại phải học văn. Bởi kiến thức các con thu được không đơn thuần là lấy điểm trên lớp, quan trọng là ra đời con sẽ được gì, mất gì nếu học kém văn. Hóa ra, học văn, dạy văn cũng không khó như nhiều người tưởng. Vấn đề là có tình yêu đủ lớn và có dũng khí để truyền nguồn cảm hứng ấy, tình yêu ấy cho các con hay không mà thôi.