Nâng cao năng lực cạnh tranh
Tại cuộc họp báo chiều 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ, đề cập đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả đó thôi thúc Chính phủ làm việc tốt hơn, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Quốc hội.
Việc lấy phiếu tín nhiệm là dịp để các thành viên Chính phủ “soi lại mình, soi lại ngành mình phụ trách”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ. Ảnh: VGP.
10 tháng xuất khẩu đạt hơn 200 tỷ USD
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng qua tiếp tục ổn định. CPI bình quân 10 tháng tăng 3,6%, lạm phát cơ bản tăng 1,43%. Tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Xuất khẩu tăng nhanh, đạt kỷ lục khi 10 tháng đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương mức của cả năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất siêu 6,4 tỷ USD. Tổng cầu tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,4%. Thu hút khách quốc tế đạt trên 12,8 triệu lượt, tăng 22,4%. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng.
Tuy nhiên, dẫn lời của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kinh tế dù đạt được kết quả tích cực nhưng còn nhiều mặt tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục như môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đang bị tụt hạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề nữa mà Thủ tướng lưu ý là một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm như điều, cao su, hạt tiêu. Hay vấn đề dịch tả lợn châu Phi mà Trung Quốc đã công bố dịch tại phía bắc tỉnh Vân Nam, cách Lào Cai 700 km. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung chỉ đạo đối với vấn đề này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin, Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng bản quyền giống khi “Việt Nam có nhiều giống cây trồng quý nhưng do chưa chú trọng đúng mức bảo hộ bản quyền giống nên nhiều giống cây trồng đã rơi vào tay nước khác”. Đây là vấn đề có tính lâu dài, các bộ, ngành liên quan cần báo cáo cụ thể và có giải pháp.
Bất cập nữa là sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp trở ngại, cần tháo gỡ; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến rất phức tạp, một số vụ việc có sự thông đồng, tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Trật tự, an toàn xã hội tại một số địa bàn diễn biến phức tạp; tội phạm ma túy, tình trạng xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, cướp ngân hàng xảy ra ở một số nơi. Do đó, cầu tập trung xử lý cương quyết các vấn đề xã hội này.
Năm 2020-2021 học sinh sẽ học sách giáo khoa mới
Tại buổi họp báo, trả lời về trách nhiệm của các cơ quan liên quan dẫn đến tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi bị xuống cấp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, công bố chính thức kết quả kiểm tra. Ngày 18/10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có kiểm tra đột xuất. Hiện nay Bộ đã và đang tiến hành và sẽ có báo cáo chính thức. Kết quả thế nào sẽ thông tin cụ thể.
Trả lời câu hỏi về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, hội. Cụ thể, thời gian thực hiện chương trình mới là chậm nhất vào 2020-2021 đối với cấp đầu tiên tiểu học; 2021-2022 đối với cấp đầu tiên THCS; 2022-2023 đối với cấp đầu tiên của THPT.
Về định hướng kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông Độ cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục khắc phục hạn chế, khuyết điểm của kỳ thi THPT năm học vừa qua. Về phía Bộ đã trình phương án lên Chính phủ theo tinh thần kỳ thi năm 2019 giảm áp lực, khó khăn với thí sinh nhưng đảm bảo độ tin cậy, đánh giá đúng chất lượng.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm căn cứ xét tốt nghiệp của thí sinh và đánh giá năng lực của học sinh sau 12 năm phổ thông. Kết quả này cũng là cơ sở xét tuyển đại học, tuy nhiên sẽ trên tinh thần tự chủ, do các trường quyết định.
Ông Độ cũng thông tin, vừa qua, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu 3 nhóm giải pháp cho kỳ thi THPT 2019, gồm: Ra đề phù hợp, phân hoá học sinh, đánh giá đúng năng lực; chuẩn hoá ngân hàng đề thi và xây dựng phần mềm tốt hơn; lập hàng rào kỹ thuật trong coi thi, chấm thi, giáo viên giữa các tỉnh chấm chéo.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm, các vấn đề về đổi mới kỳ thi THPT, ra đề thi... thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT, vì vậy Bộ phải thực hiện đúng Nghị quyết 29 Trung ương và đảm bảo đúng quy định pháp luật.
“Về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Bộ GDĐT cần làm đúng nghị quyết của Quốc hội. Bộ chủ động trong tổ chức, Thủ tướng không quyết làm trước hay làm sau, tránh đẩy việc lên Thủ tướng”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trả lời câu hỏi về việc hàng Hãng không Bamboo đã được cấp phép hoạt động hay chưa, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Đông cho biết: “Chúng tôi đã hoàn tất thẩm định tất cả các hồ sơ theo quy định về hàng không và báo cáo lên Chính phủ. Hiện cấp có thẩm quyền đang xử lý”.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, chúng ta rất tự hào khi có thêm một hãng hàng không của Việt Nam. Sau khi Tập đoàn FLC đề xuất lập Bamboo Airways, Bộ GTVT đã xem xét, báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cấp phép hãng hàng không.
Về cấp phép bay, Bộ GTVT cũng đã đề nghị với Chính phủ, việc này Cục Hàng không sẽ thẩm định và Bộ GTVT báo cáo Chính phủ. “Đây là vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh, an toàn trong hàng không nên Văn phòng Chính phủ rất thận trọng. Hiện chúng tôi đã lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ báo cáo tại phiên họp thường trực Chính phủ gần nhất”- ông Dũng nói.
* Về những vi phạm liên quan đến đất rừng tại Sóc Sơn, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, về xử lý vi phạm liên quan đến đất rừng phòng hộ Hà Nội đã vào cuộc xử lý từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, có nội dung chưa triệt để, như nhà hàng, khu vui chơi vẫn chưa xử lý nghiêm. Thế nên vừa rồi Hà Nội đã tiến hành thanh tra, chấn chỉnh, đôn đốc việc chấp hành luật của các cơ quan trước yêu cầu của TP. Nếu có kết luận chính thức Hà Nội sẽ có thông tin cụ thể. Còn với Tổng thanh tra, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đôn đốc Hà Nội thực hiện nghiêm vấn đề này.